Nguy cơ ùn tắc đăng kiểm tái diễn
Các chuyên gia cho rằng, nếu không có giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, nguy cơ tái diễn ùn tắc đăng kiểm xe cơ giới ở hàng loạt các tỉnh, thành phố chắc chắn sẽ xảy ra vào dịp cuối năm 2023 và các tháng đầu trong năm 2024.
Vừa qua, sau gần 5 tháng triển khai Nghị định 30/2023/NĐ-CP, cuối tháng 6/2023 đến nay, tại các trung tâm đăng kiểm cơ bản không còn tình trạng ùn tắc, đáp ứng đủ nhu cầu kiểm định của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp chặt chẽ tình trạng ùn tắc sẽ tiếp tục diễn ra ở 31 địa phương. Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đến nay, cả nước có 271/288 (chiếm khoảng 95%) trung tâm đăng kiểm (với số dây chuyền đã được đầu tư là 510/536 dây chuyền, chiếm 95,15%) nhưng thực tế mới có 435/536 dây chuyền kiểm định đang hoạt động.
Xe chờ được đăng kiểm (Ảnh minh họa) |
Thông tin tại Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động kiểm định xe cơ giới, đề xuất các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định và tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP, đại diện các lãnh đạo Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên… bày tỏ sự lo lắng, khó khăn thách thức trong lĩnh vực đăng kiểm mà các địa phương đang phải đối mặt. Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc đề xuất, Cục Đăng kiểm cần tăng cường chỉ đạo để các trung tâm đăng kiểm của các địa phương phối hợp, tương trợ lẫn nhau nhằm giảm ùn tắc.
Ông Bùi Hoà An - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh nhận định: Chắc chắn TP. Hồ Chí Minh sẽ tái diễn ùn tắc trong đăng kiểm. Thực tế, mỗi ngày thành phố có khoảng 150 - 200 xe mới đăng kiểm, nhưng xe hết hạn sẽ nóng lên trong thời gian tới. Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đang tập trung hết sức để tìm nguồn nhân lực bổ sung vì 3 trạm của Sở có 14 đăng kiểm viên đều bị truy tố.
Xét về tổng thể, từ Nghị định 30/2023 trở lại đây, chúng ta thay đổi 180 độ về phương thức quản lý. Trước Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý hết các khâu nhưng nay giao về các Sở Giao thông Vận tải. Khi tiếp nhận Sở xoay không kịp, rất khó khăn trong việc tổ chức quản lý.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Cục Đăng kiểm đề nghị xin tập huấn cán bộ của Sở nhưng từ tháng 8 đến nay vẫn chưa có phản hồi. Bên cạnh đó, Sở còn đề nghị thay đổi tiêu chuẩn về trạm đăng kiểm, để hình thành trạm đăng kiểm mà cần 1.200m2 đất thì rất khó làm được. Song việc tăng phí đăng kiểm là cần thiết nếu chờ đến tháng 7/2024 thì quá lâu.
Cùng chung hoàn cảnh này, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hoà Bình bày tỏ sự lo lắng trung tâm đăng kiểm duy nhất của tỉnh buộc phải tạm dừng hoạt động do đăng kiểm viên bị đưa ra khởi tố trong thới gian tới. Sở mong có quy chế để có thể ký hợp đồng với ít nhất một đăng kiểm viên để phục vụ công tác đăng kiểm.
Giải pháp nào để tránh ùn tắc đăng kiểm?
Trước những lo lắng của các địa phương, theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, các cơ quan chức năng nên cho phép các trung tâm đăng kiểm tăng thêm thời gian làm việc, có thể làm thêm vào ngày nghỉ theo nhu cầu của người dân thay vì làm mỗi ngày 8 tiếng và nghỉ thứ 7, chủ nhật. Tuy nhiên, cần có chế độ chính sách tăng thêm lương cho anh em, các phương tiện đăng kiểm ngoài giờ hoặc ngày nghỉ có thể thu thêm tiền phí dịch vụ không quá 20%. Đồng thời, Cục Đăng kiểm tăng cường công tác truyền thông để các trung tâm kiểm định hỗ trợ lẫn nhau, giảm ùn tắc.
Ngoài việc tăng thêm thời gian làm việc, Cục Đăng kiểm đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải về việc tăng giá dịch vụ để giảm tiêu cực, nhưng đến tháng 7/2024 mới điều chỉnh. Đây là việc cần thiết, cần áp dụng sớm hơn, tăng 100.000đ – 200.000đ tùy từng loại xe. Chi phí đăng kiểm tăng không là gì so với việc các chủ xe phải chờ đợi cả ngày mà chưa đăng kiểm được.
Để chủ động phòng ngừa tình trạng ùn tắc vào dịp cuối năm, đại diện Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục đã cấp giấy chứng nhận lần đầu cho 207 đăng kiểm viên xe cơ giới cho những đăng kiểm viên đủ điều kiện theo quy định. Mặc dù, các đợt đánh giá, các lớp tập huấn nghiệp vụ tổ chức liên tục (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, đánh giá ngoài giờ vào buổi tối..) cho học viên mới, nhưng Cục Đăng kiểm dự kiến năm 2023 cả hệ thống mới bổ sung được khoảng 300 đăng kiểm viên mới. Từ tháng 5/2024, mới có thêm đăng kiểm viên mới (mỗi tháng dự kiến có thêm khoảng 50 học viên đủ điều kiện để được đánh giá công nhận) thì tính đến hết năm 2024 và sang đầu năm 2025 mới có khoảng gần 350 đăng kiểm mới được công nhận.
Theo thống kê Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước có 31 tỉnh, thành phố nguy cơ bị ùn tắc kiểm định, gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Kạn, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình... Trong đó, một số tỉnh như Bắc Kạn, Hòa Bình và Thái Bình không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động. |