Saigon Co.op rầm rộ tuyển dụng nhân sự cho các dự án của năm mới Bán lẻ sẵn sàng cho nhịp hồi phục trong năm tới |
Dồn dập mở thêm siêu thị mới
Sáng ngày 3/2/2021, hệ thống siêu thị cao cấp Finelife (thương hiệu bán lẻ thuộc Saigon Co.op) đã đưa vào hoạt động siêu thị Finelife Supermarket Urban Hill tại số 51A đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Phong, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.
Siêu thị Finelife Supermarket Urban Hill mới vừa đưa vào hoạt động tại quận 7, TP. Hồ Chí Minh |
Siêu thị này có diện tích hơn 2.000m2, kinh doanh hơn 17.000 mặt hàng hữu cơ cao cấp trong nước và nhập khẩu, với đủ các ngành hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, đồ dùng và khu thời trang cao cấp. Đây là hệ thống siêu thị cao cấp đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ E-label điều chỉnh tự động và Finelife Supermarket Urban Hill, cũng là siêu thị đầu tiên có quầy tính tiền cho khách tự thanh toán giống như ở một số siêu thị hàng đầu thế giới.
Theo Saigon Co.op, trước đó trong tháng 1/2021, mô hình bán lẻ khác của Saigon Co.op là Co.op Food đã đưa vào hoạt động thêm hàng loạt cửa hàng mới tại Phú Yên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Cà Mau nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm cho người dân ở các địa phương này.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - tiết lộ, kế hoạch đến năm 2025 Saigon Co.op sẽ đạt tối thiểu 2.000 điểm bán hàng, đồng thời hoàn thiện, nâng cao hiệu quả đầu tư mô hình Co.opmart tuyến huyện, Co.op Food tỉnh; ưu tiên phát triển các dự án có quy mô lớn tại các tỉnh, thành phố lớn nhằm đảm bảo năng lực cạnh tranh với đối thủ. “Mục tiêu mà Saigon Co.op hướng tới là trong ngắn hạn sẽ giành lại thị phần từ 43-45% so với mức 41% ở hiện tại”, ông Đức cho biết.
Ngoài Saigon Co.op, một nhà bán lẻ khác là Công ty CP Đầu tư Thế giới di động (chủ sở hữu hệ thống siêu thị Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh), cũng đưa vào hoạt động một số điểm bán mới của hệ thống Điện máy Xanh trong tháng 1/2021 vừa qua.
Trong kế hoạch năm 2021, doanh nghiệp này dự kiến số lượng siêu thị Điện máy Xanh có thể sẽ tăng lên 1.000 trên phạm vi toàn quốc và doanh thu tăng gấp 10 lần lên 5.000 tỷ đồng. Tới năm 2022, Điện máy Xanh đặt mục tiêu 1.200 cửa hàng và nâng mức doanh thu gấp 30 lần năm 2020, lên 15.000 tỷ đồng, chiếm 60% thị phần bán lẻ điện máy toàn thị trường. Cùng với Điện máy Xanh, chuỗi Bách Hóa Xanh cũng đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 sẽ có hơn 500 cửa hàng diện tích lớn đến từ cả nâng cấp và mở mới. Trước đó, trong năm 2020, chuỗi bán lẻ này đã tăng thêm 711 cửa hàng, nâng tổng số lượng lên 1.719 địa điểm kinh doanh. Chuỗi này ghi nhận doanh thu gấp đôi so với năm 2019, đạt 21.260 tỷ đồng và đóng góp 19,6% tổng doanh thu của tập đoàn.
Chuyển mình theo xu thế
Theo dự báo của Vietcombank Securities (VCBS), trong năm 2021, tốc độ tăng trưởng bán lẻ sẽ hồi phục mạnh vào quý II/2021 với mức 14,49%. Tuy nhiên doanh nghiệp bán lẻ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn bởi liên tục trong thời gian qua đã có không ít thương hiệu bán lẻ ngoại gia nhập thị trường Việt Nam.
Trước xu hướng này, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, trong năm 2021, Saigon Co.op sẽ tiếp tục chuyển đổi số mạnh mẽ hơn để thích ứng với những thay đổi của thị trường và hành vi tiêu dùng của khách hàng. Đồng thời các cán bộ, nhân viên Saigon Co.op sẽ tăng cường hơn các hoạt động kết nối với các tỉnh thành, địa phương trên cả nước, thậm chí là nước ngoài.
Theo ông Đức, mục đích của những kết nối này nhằm đảm bảo đưa hàng Việt tiếp tục trở thành trụ cột và cùng vươn lên trong nền kinh tế. Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào, Saigon Co.op sẽ đảm bảo giữ vững được bản chất vốn có của mô hình hợp tác xã mà nhà bán lẻ này theo đuổi hàng chục năm qua.
VCM đang chuyển đổi từ điểm mua sắm thuần túy thành nền tảng phục vụ nhu cầu thiết yếu |
Trong khi đó, với VinCommerce (VCM), ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan Group - cho biết: Năm 2021, Masan đặt mục tiêu chuyển đổi VCM từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online-to-offline. “Chúng tôi gọi đây là Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng. Đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ”- ông Nguyễn Đăng Quang chia sẻ.
Còn với Thế giới di động sẽ vẫn tập trung vào mảng kinh doanh bán lẻ thiết bị di động - điện máy và thực phẩm tiêu dùng thiết yếu qua hệ thống siêu thị mini - một thế mạnh cốt lõi giúp nhà bán lẻ này tăng trưởng mạnh trong suốt thời gian qua.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đại dịch có những tác động tiêu cực nhưng cũng tạo động lực để doanh nghiệp bán lẻ Việt thay đổi phù hợp hơn với thời cuộc. Từ đó giúp họ tăng khả năng chống chọi với khủng hoảng và sẵn sàng đương đầu trước làn sóng hội nhập gia tăng trong thời gian tới.