Bài 1: Giải bài toán trong các ngành công nghiệp Bài 2: Lợi thế cho "người dẫn đầu” Thị trường tín chỉ carbon: Lĩnh vực kinh doanh tỷ đô |
Cơ hội cho các nhà đầu tư
Nhiều chuyên gia khẳng định, những doanh nghiệp tiên phong trong giảm phát thải khí nhà kính là nhà đầu tư có nhiều tiềm năng và cơ hội khi tham gia thị trường tín chỉ carbon. “Những doanh nghiệp này đã có một quá trình để chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi năng lượng nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Khi thị trường tín chỉ carbon vận hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ hạn ngạch khí thải cho từng doanh nghiệp, lượng khí thải nhiều doanh nghiệp giảm được lớn hơn hạn ngạch khí thải mà họ được phép thải ra, phần còn lại hoàn toàn có thể đem giao dịch trên thị trường tín chỉ carbon” - GS. Trần Thục - Chủ tịch Hội Khí tượng thủy văn Việt Nam - chia sẻ.
Doanh nghiệp cần sớm có giải pháp trước khi thị trường tín chỉ carbon vận hành |
Nói về kỳ vọng có thể xúc tiến mô hình bán tín chỉ carbon, ông Marc S. Forni - chuyên gia Phụ trách Quản lý rủi ro thảm họa (Ngân hàng Thế giới - WB) - cho biết: Giá trị của thị trường carbon hiện tại lên tới 52 tỷ USD và Việt Nam là một trong nhiều quốc gia trên thế giới triển khai chương trình mua bán tín chỉ carbon. "Chúng tôi thấy nhiều tiềm năng, cơ hội trong thị trường tín chỉ carbon, dung lượng thị trường khá lớn. Hiện, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục tiêu Net Zero, thúc đẩy rất lớn cho thị trường carbon. Gần đây, một dự án trị giá 79 triệu USD đã được đầu tư vào thị trường carbon. Như vậy, dung lượng thị trường đã lớn hơn rất nhiều" - ông Forni nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết: Thị trường trao đổi tín chỉ giảm phát thải khí nhà kính là loại hình thị trường mà hàng hóa được tính bằng lượng khí nhà kính được cắt giảm của một đơn vị phát thải/hấp thụ khi hoạt động giữa bên mua - bán. Chính phủ sẽ phân bổ hạn ngạch cho các doanh nghiệp, nếu dùng hết hạn ngạch, doanh nghiệp phải mua tín chỉ carbon của đơn vị khác. Điều này sẽ giúp hình thành thị trường carbon toàn cầu, trong đó, có Việt Nam. Theo ông Phạm Văn Tấn, thị trường carbon Việt Nam còn nhiều dư địa. Trước đây, phần lớn các dự án tạo tín chỉ chủ yếu là từ dự án thủy điện nhỏ nhưng trong tương lai, sẽ có thêm nguồn năng lượng tái tạo và nổi bật nhất là năng lượng mặt trời, điện gió ngoài khơi và năng lượng sinh khối. Bên cạnh đó, là các dự án tiết kiệm năng lượng, với quy mô đủ lớn cũng có thể tạo ra nhiều lợi ích.
Cần đòn bẩy chính sách
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì tiến hành nghiên cứu, xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia. Đây là cơ sở lựa chọn các dự án đầu tư, cũng như lượng hóa, đánh giá tiến bộ của tăng trưởng xanh.
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết: Ngân hàng Nhà nước đã có những giải pháp đến toàn bộ hệ thống tín dụng để làm sao hướng dòng vốn ưu tiên cho vay với các dự án xanh. Dù vậy, các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thẩm định các dự án xanh. Hiện, Thủ tướng Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng ban hành một danh mục cũng như tiêu chí xanh. Điều này sẽ có nhiều hữu ích giúp cơ quan quản lý nhà nước xây dựng cơ chế chính sách, ưu đãi đầu tư cho các dự án xanh. Với ngành ngân hàng, đây sẽ là nguồn tài liệu, bộ tiêu chí cho các ngân hàng thương mại thẩm định, đối chiếu xem xét quyết định cấp tín dụng.
Ông Keiju Mitsuhashi - Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Ngân hàng Phát triển châu Á -ADB) - cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế trong việc theo đuổi chính sách năng lượng xanh, cần có cam kết mạnh mẽ từ trên xuống dưới, tất cả các cấp, ngành. Bên cạnh đó, cần chính sách dài hạn, dễ dự báo, nhất quán và có thể thực hiện được, bao trùm thông qua tham vấn các bên liên quan, thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới về tài chính và công nghệ mới...
Nguồn lực tài chính được coi là một trong những khó khăn, thách thức đối với các dự án tăng trưởng xanh. Theo ước tính của WB (năm 2022), Việt Nam có thể sẽ cần đầu tư thêm khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm khi theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng "0". Trong đó, hành trình khử carbon nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế chiếm khoảng 30% nhu cầu nguồn lực. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Hiện, khu vực công sẽ chỉ có thể đáp ứng khoảng 1/3 nguồn lực yêu cầu; trong khi thị trường tài chính xanh hiện mới ở giai đoạn đầu phát triển, nguồn lực huy động qua thị trường tài chính xanh ở mức rất nhỏ bé so với nhu cầu đặt ra.
Để phát triển thị trường carbon Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, nhà nước cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý, trong đó, có các cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư; yếu tố cân bằng chi phí; quy định tiêu chuẩn kỹ thuật; giải quyết các vấn đề nguồn nhân lực; phân chia nguồn doanh thu... Trong đó, các chính sách cần phải đảm bảo hài hòa loại ích, doanh thu cho nhà đầu tư, phân chia nguồn doanh thu cho các bên liên quan như thế nào là thách thức đối với công tác lập chính sách để Việt Nam theo kịp thị trường quốc tế.
Thị trường tín chỉ carbon có nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển. Vấn đề đặt ra là, làm sao có thể hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy thị trường này mở rộng hơn nữa. |