Bài 1: Từ ban công Tuấn Hưng đến thư Chủ tịch Hà Nội gửi BlackPink Doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại tại Hội chợ Sourcing at Magic lần thứ 16 tại Hoa Kỳ |
Kỳ vọng mới cho nền công nghiệp văn hóa Thủ đô
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch, kỳ vọng đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Trên thực tế, du lịch chính là phương thức, con đường mà nhiều quốc gia đang đầu tư, khai thác tối đa yếu tố kinh tế để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa. Đồng thời, tài nguyên văn hóa cũng chính là nguồn lực để phát triển du lịch.
Trong đó, Hà Nội với hệ thống di sản văn hóa dày đặc, gồm 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể và 1.350 làng nghề, trong đó, có nhiều làng nghề chuyên về thủ công mỹ nghệ có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Từ lợi thế này, Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội nêu rõ trong giai đoạn từ nay đến 2030, thành phố tập trung vào phát triển những lĩnh vực thế mạnh gồm: Du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, phần mềm và trò chơi giải trí.
Người dân làng Chuông, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) sản xuất nón lá. Ảnh: Giang Sơn |
Theo đó, để đạt mục tiêu đến năm 2025 công nghiệp văn hóa đóng góp 5% GDP của thành phố, đến năm 2030 đóng góp 8%; xây dựng nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa có thương hiệu trong nước và quốc tế mà Nghị quyết 09-NQ/TU đề ra, Hà Nội còn nhiều việc phải đẩy mạnh triển khai.
Thực tế cho thấy, từ show diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink tại Hà Nội khép lại trong hành trình tour vòng quanh thế giới đã mang đến nhiều kỳ vọng mới cho công tác tổ chức và xây dựng nền công nghiệp văn hóa tại Hà Nội. So với nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc...Việt Nam vẫn chưa tổ chức được nhiều sự kiện giải trí lớn có ảnh hưởng đến quốc tế. Vì thế, việc nhóm nhạc nổi tiếng như BlackPink quyết định biểu diễn tại Hà Nội là minh chứng về tính ổn định kinh tế, chính trị, xã hội, cơ sở vật chất cũng như năng lực tổ chức sự kiện lớn cấp quốc tế của thành phố. Đồng thời, việc chọn Hà Nội là điểm khép lại của một hành trình vòng quanh thế giới như một lần nữa khẳng định Hà Nội phải là điểm đến và nhất định phải đến, đầy hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế. Hà Nội đã và đang khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, không chỉ là thủ đô của cả nước mà còn là thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, bộ mặt của quốc gia, trái tim của cả nước, thành phố vì hòa bình.
Từ hình ảnh chiếc nón lá được minh họa với dòng chữ “WOW Việt Nam” và hình ảnh cây Cầu Vàng - một biểu tượng du lịch mới của Việt Nam được thành viên Rosé của nhóm BlackPink bất ngờ chia sẻ trên trang cá nhân sau chuyến lưu diễn ngày 31/7 thu hút lượng lớn lượng fan quan tâm, nhờ đó, hình ảnh về du lịch Việt Nam đã được quảng bá rộng khắp thế giới. |
Có lẽ từ rất lâu rồi Hà Nội mới có một sự kiện hoành tráng, thỏa lòng công chúng như vậy. Không thể phủ nhận, nhờ Blackpink ngành du lịch Thủ đô thực sự đã “gặt hái” bội thu. Minh chứng cho thấy, trước tour diễn của nhóm nhạc BlackPink, du lịch Hà Nội sôi động các hoạt động lưu trú, dịch vụ, ăn uống… Hàng nghìn khách du lịch từ khắp cả nước và khách quốc tế đổ về Hà Nội để xem show diễn của thần tượng kết hợp tham quan du lịch.
Một điểm nhấn nữa là thông qua sự kiện, Việt Nam đã được công chúng quốc tế biết đến nhiều hơn. Qua hình ảnh khi 4 cô gái của nhóm nhạc BlackPink khen bánh mỳ, phở Việt rất ngon… trước hơn 30.000 khán giả trong và ngoài nước trong buổi diễn tối 30/7 và được lan tỏa "chóng mặt" qua trang mạng xã hội cá nhân của các cô gái đã gửi gắm thông điệp về hình ảnh một Việt Nam xinh đẹp, thân thiện, hấp dẫn với bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, thông qua sự kiện đã cho thấy sức sáng tạo trong cách thức tổ chức các chương trình mang tầm cỡ quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là công cuộc giao lưu, trao đổi văn hóa với bạn bè quốc tế. Được biết, lý do lựa chọn hình ảnh Cầu Vàng để vẽ lên nón lá nhằm gửi gắm hình ảnh Việt Nam độc nhất và sáng tạo. Theo đó, điểm đặc biệt của chiếc nón màu hồng “WOW Việt Nam” ở chỗ được phủ lớp lá sen tươi thu hái từ Đồng Tháp Mười. Lựa chọn lá sen làm chất liệu do hoa sen được đề cử là quốc hoa của Việt Nam, biểu tượng cho sự ngay thẳng, thanh cao, vẻ đẹp dịu dàng và sức sống mãnh liệt.
Chiếc nón lá màu hồng xuất hiện trong loạt ảnh trên Instagram của Rosé, thành viên BlackPink, khiến người hâm mộ thích thú |
Theo chia sẻ từ đơn vị tặng quà, cây cầu đại diện cho một Việt Nam thời đại mới, hấp dẫn du khách không chỉ bởi những vẻ đẹp và sức hấp dẫn được thiên nhiên ban tặng mà còn bởi những công trình nhân tạo đẹp đến siêu thực. Qua công nghệ xử lý đặc biệt, chiếc lá sau khi tạo thành dáng mũ vẫn giữ được các đường nét tự nhiên, mềm mại. Sau đó chiếc nón được phủ thêm sắc hồng - màu biểu tượng của nhóm nhạc BlackPink.
Ngay sau khi đăng tải, hai bài đăng của Rosé về Hà Nội thu hút gần 7 triệu lượt yêu thích, thu hút hàng chục nghìn bình luận và đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều người hâm mộ quốc tế để lại bình luận ấn tượng về chiếc nón lá hồng lạ mắt.
Chính điều này đã cho thấy, nhóm nhạc nữ đẳng cấp thế giới gửi đến Việt Nam thông điệp họ muốn giao lưu với văn hóa Việt Nam bằng cách thể hiện những màn trình diễn với sự giao thoa của các nền văn hóa . Đồng thời, qua chuyến biểu diễn này, Việt Nam cũng thể hiện được sự bắt nhịp, hội nhập được với xu thế quốc tế, khi chúng ta đã chủ động tận dụng sức mạnh của công nghệ, truyền thông, giải trí để quảng bá các giá trị văn hóa Việt với bạn bè quốc tế.
“Đòn bẩy” phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ
Văn hóa nghệ thuật được xem là công cụ hữu hiệu thúc đẩy thương mại và kinh tế. Và thực tế, buổi diễn tại Hà Nội của BlackPink không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa của Hà Nội mà thúc đẩy ngành du lịch và khách sạn.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội cho biết, 2 đêm diễn (29-30/7) của nhóm nhạc BlackPink đã mang lại cho du lịch Thủ đô sự tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể, tổng lượng khách du lịch đến với Hà Nội trong 2 ngày 29-30/7 đạt hơn 170.000 lượt người, trong đó khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Khoảng 65% khách quốc tế có lưu trú, chủ yếu từ các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Australia…
Vì thế, các khách sạn tại khu vực gần đêm biểu diễn của BlackPink tăng 20% công suất buồng phòng so với ngày cuối tuần các tuần trước đó. Riêng trong ngày 29/7, nhiều nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn trong tình trạng kín phòng. Lượng tìm kiếm về phòng tại Hà Nội trong 2 ngày này qua các trang đặt phòng quốc tế như Agoda cao gấp 10 lần so với tuần trước đó. Công suất sử dụng phòng của khối khách sạn trong tháng 7 ước đạt 60,8%, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Chiếc xe buýt 2 tầng trang trí màu hồng và hình ảnh 4 nữ ca sĩ Hàn Quốc chở hàng trăm fan diễu hành cổ vũ sự kiện |
Bên cạnh đó, các điểm tham quan du lịch cũng ghi nhận tăng trưởng khoảng 15-20% so với cùng kỳ cuối tuần trước đó. Thống kê trong 3 ngày (28-30/7), Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 9.600 lượt khách, Hoàng Thành Thăng Long đón hơn 8.000 lượt khách, Thiên đường Bảo Sơn đón 7.000 lượt khách.
Trong thời gian diễn ra sự kiện, khách đi tour trong thành phố bằng xe buýt hai tầng cũng tăng đáng kể. Lượng khách đặt trực tuyến (chưa tính mua tại chỗ) trong 2 ngày 29-30/7, tăng 15% so với những ngày trước đó. Lượng khách du lịch tăng mạnh nên tổng thu từ khách du lịch đạt 630 tỷ đồng trong 2 ngày diễn ra đêm nhạc.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sự kiện âm nhạc BlackPink biểu diễn là “cơ hội vàng” quảng bá hình ảnh Thủ đô, giao lưu phát triển công nghiệp văn hóa. Đến nay, khi show diễn đã kết thúc nhưng dư âm của hai đêm diễn vẫn còn để lại nhiều dư âm đẹp với người hâm mộ trong và ngoài nước. Báo chí nước ngoài cũng đưa nhiều thông tin, hình ảnh về hai đêm diễn của nhóm nhạc này tại Hà Nội cũng như công tác tổ chức, giữ gìn an ninh trật tư, văn hóa xem biểu diễn của các fan Việt Nam.
Trên cơ sở thành công của sự kiện, theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: "Đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực tài chính, thương hiệu uy tín quốc tế đứng ra tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch mang tầm cỡ quốc tế trên địa bàn. Đây là cơ hội để Hà Nội kích cầu du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ trên địa bàn".
Giám đốc Công ty du lịch Hoàng Minh - Vũ Quỳnh Anh cũng đưa ra nhận định và kiến nghị, sự kiện giải trí của nhóm nhạc BlackPink mang đến nhiều tiềm năng cho Hà Nội trong việc đăng cai, tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí quốc tế để thu hút du lịch. Để có thể trở thành điểm đến của các sự kiện quốc tế lớn, Hà Nội cần đầu tư nhiều hơn nữa cơ sở hạ tầng đạt chuẩn quốc tế để hấp dẫn các công ty tổ chức sự kiện thế giới.
Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô |
Góp ý thêm, PGS.TS Đặng Văn Bài nêu vấn đề, để ghi dấu ấn trong lòng công chúng cũng như bạn bè quốc tế, một trong những giải pháp quan trọng là Hà Nội cần tìm lại các chương trình mang thương hiệu quốc tế. Ví như Đà Nẵng có Lễ hội quốc tế pháo hoa, Huế có Festival, Quảng Ninh có Canaval nhưng Hà Nội chưa có sự kiện mang tầm quốc tế. Từ việc đặt vấn đề, PGS.TS Đặng Văn Bài đề nghị Hà Nội cần phát triển, đi đầu cả nước về công nghiệp văn hóa.
Trước xu thế hội nhập văn hóa toàn cầu, việc Hà Nội cần nhìn từ kinh nghiệm quốc tế, tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài là điều cần thiết, song theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, Hà Nội cần chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Như vậy mới phù hợp với tình hình, đặc điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa mà Hà Nội mong muốn đạt được. |
Thực tế, Hà Nội đã từng có các chương trình nghệ thuật mang thương hiệu quốc tế như: Lễ hội âm nhạc gió mùa, hòa nhạc giao hưởng Vietnam Airlines Classic - Hanoi Concert, lễ hội hoa anh đào… nhưng vì lý do nào đó đến nay vẫn chưa mở trở lại. Các chương trình này trước đó đã trở thành điểm hẹn của du khách quốc tế tại Hà Nội, theo đó, việc tìm lại “hơi thở” của các chương trình vang bóng một thời trong bối cảnh hiện nay nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô là hết sức cần thiết.
Có lẽ, sẽ còn rất nhiều, rất nhiều việc phải làm để Hà Nội đạt mục tiêu là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là vấn đề xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, để phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, thông qua việc đưa ra các chiến lược cụ thể và bài bản, trong thời gian tới, TP. Hà Nội tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế như làng nghề truyền thống, du lịch văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật biểu diễn, trò chơi điện tử… phấn đấu đến năm 2025, công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 5% GRDP; 2030 đóng góp 8% GRDP của TP. Hà Nội.
Và hơn hết, Hà Nội sẽ phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô; tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.