Bài 2: Điều kiện tiên quyết để đấu tranh

Để đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, điều kiện tiên quyết là cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo
Sửa đổi Hiến pháp: Bước đi lịch sử, mang tính kiến tạo thể chế sâu rộngSửa đổi Hiến pháp: Củng cố vai trò của Mặt trận Tổ quốc và Công đoànTổng Bí thư: Tăng cường vận động nhân dân đóng góp sửa đổi Hiến pháp qua ứng dụng VNeID

Tạo nền tảng và không gian thể chế thuận lợi

Kể từ khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua vào ngày 28/11/2013 và chính thức có hiệu lực từ 01/01/2014, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và những bước tiến quan trọng trong đổi mới thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước trong quản lý, phát triển kinh tế xã hội, tăng cường kỷ luật, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Mặc dù vậy, trước sự vận động nhanh chóng của thực tiễn, đặc biệt trước chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, tinh gọn tổ chức bộ máy, tổ chức lại chính quyền địa phương theo mô hình 2 cấp, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, chuyển từ quản lý thụ động sang chủ động phục vụ nhân dân… đang đặt ra yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp năm 2013.

Sáng 15/5/2025: Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
Sáng 15/5/2025: Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: VPQH

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp tạo cơ sở để sửa đổi, bổ sung các bộ luật, điều luật liên quan, là bước đi tất yếu để tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc, đồng bộ, thống nhất nhằm khơi thông và huy động tối đa mọi nguồn lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Theo tinh thần đó, trên cơ sở Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về "triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị" và sau Hội nghị Trung ương 11, Khóa XIII, sau một thời gian tập trung nghiên cứu, rà soát khẩn trương, nghiêm túc của các cơ quan Quốc hội, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua nhiệm vụ trọng tâm nhất là sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp năm 2013, trước hết là sửa đổi 8 điều liên quan trực tiếp đến vấn đề sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, đồng thời, tiếp tục xem xét, quyết định thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều trong Hiến pháp năm 2013 tập trung chủ yếu vào hai nhóm nội dung: Một là, các quy định của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội (tập trung ở Điều 9, 10 của Hiến pháp năm 2013), nhằm đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đồng thời nêu cao vai trò, trách nhiệm, tính chủ động của Mặt trận Tổ quốc nhất là trong việc tập hợp các giai cấp, tầng lớp, bảo đảm hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, gần dân, sát dân.

Hai là, các quy định về chính quyền địa phương (tại chương 9 của Hiến pháp năm 2013) để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời, đề xuất bổ sung quy định chuyển tiếp để đảm bảo chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, phù hợp lộ trình sắp xếp, sáp nhập (1).

Mặc dù định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này có tính giới hạn với dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 cùng hai nhóm nội dung chính nêu trên nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan, trọng nhất là kịp thời hiến định hóa, thể chế hóa những chủ trương của Đảng về tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: Cấp tỉnh và cấp xã trên tinh thần sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Có thể khẳng định, đây không đơn giản là sự thay đổi về mô hình tổ chức hoạt động mà đó là sự thay đổi rất sâu sắc, lớn lao, sự thay đổi về chất, nhằm bảo đảm chính quyền địa phương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, “đáp ứng các yêu cầu quản trị xã hội hiện đại, thực hiện được các mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững; tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; tạo đà và động lực cho phát triển kinh tế; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chăm lo ngày một tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” (2) như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ.

Trên cơ sở những điều dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung trong Hiến pháp năm 2013, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền đã chủ động, tích cực, khẩn trương rà soát theo lĩnh vực quản lý và thẩm quyền phụ trách nhằm thống kê, xác định đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật chịu sự tác động của việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Theo Báo cáo của Chính phủ, cụ thể có khoảng 19.220 văn bản được ban hành ở cả cấp Trung ương và địa phương chịu ảnh hưởng của quá trình tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Trong đó, 1.180 văn bản thuộc thẩm quyền Trung ương và 18.040 văn bản thuộc cấp địa phương (3).

Con số này cho thấy mức độ tác động sâu rộng, toàn diện và đòi hỏi sự điều chỉnh đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực và hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện Hiến pháp sửa đổi. Trên cơ sở này, Quốc hội sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan trực tiếp đến tổ chức bộ máy, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; đồng thời hoàn thiện các quy định về thẩm quyền của chính quyền địa phương và những vấn đề có tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia, thuộc các lĩnh vực về ngân sách, đầu tư, quy hoạch.

Dự kiến sẽ sửa đổi những nội dung liên quan trong các Luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Cán bộ, công chức,…

Nhìn một cách tổng thể, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 lần này không chỉ đáp ứng yêu cầu cấp thiết trước mắt mà còn là bước đi chiến lược nhằm tạo nền tảng và không gian thể chế thuận lợi cho những cải cách mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng, hướng tới xây dựng nền hành chính tinh gọn, liêm chính, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, có đủ khả năng định hướng, dẫn dắt sự phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính
Quốc hội thảo luận về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Dự án Luật Tổ chức chính. Ảnh: VPQH

Quán triệt các quan điểm chỉ đạo, điều kiện tiên quyết để đấu tranh

Để việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đạt được đúng những mục đích đề ra cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo như: Thứ nhất, quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, tuân thủ nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, cũng như các nguyên tắc, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Bảo đảm vai trò trung tâm của Đảng trong việc định hướng thể chế hóa đường lối chính trị, phát triển đất nước;

Thứ hai, phải giữ vững bản chất của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân;

Thứ ba, phải bảo đảm tính kế thừa, ổn định và phát triển. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung phải trên cơ sở kế thừa những nội dungcòn phù hợp, còn giá trị tích cực của Hiến pháp năm 2013 và chỉ tiến hành sửa đổi, bổ sung những nội dung thật sự cần thiết đáp ứng yêu cầu phát triển và những đòi hỏi bức thiết mà thực tiễn đặt ra. Muốn làm được như vậy thì sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhất định phải dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn, lý luận đặc biệt là những kết quả rà soát, đánh giá trực tiếp việc thi hành các quy định cụ thể của Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan;

Thứ tư, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật theo nghĩa sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải tạo cơ sở hiến định khoa học và vững chắc cho việc sửa đổi các đạo luật có liên quan, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thông suốt trong toàn hệ thống pháp luật, tuyệt đối tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa Hiến pháp và các luật hiện hành;

Thứ năm, phải đặc biệt coi trọng lấy ý kiến của nhân dân đối với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp. Chính phủ phải phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, toàn diện của nhân dân trên tinh thần khoa học, dân chủ, thực chất, công khai, minh bạch một cách thiết thực, hiệu quả theo đúng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, bảo đảm người dân thực sự được tham gia, được bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến đối với những vấn đề trọng đại của đất nước và Hiến pháp cũng thực phản ánh đúng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Quán triệt những quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong sửa đổi Hiến pháp không chỉ bảo đảm tính hiệu quả, đúng mục đích của quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp mà còn là điều kiện tiên quyết để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xoay xung quanh quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, lợi dụng việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp để chống phá Đảng, Nhà nước, chống phá chế độ, âm mưu gây mất ổn định chính trị - xã hội, làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

(1) “Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội: Vẽ lại bản đồ, định hình tương lai”. Thành Chung - Tiến Long, Báo Tuổi trẻ online, ngày 05/5/2025.

(2) Báo Tiền phong online: Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 ngày 16/4/2025.

(3) “Các luật, nghị quyết thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 phục vụ hiệu quả cho công cuộc sắp xếp bộ máy”. Nguyễn Hoàng, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 16/4/2025.

TS HOÀNG THU TRANG - Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bình luận