Khuyến khích nghiên cứu, đầu tư công nghệ cao
Từ năm 2008, Luật Công nghệ cao đã được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 4 thông qua. Trong Luật nêu: Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; được tích hợp từ thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường; có vai trò quan trọng đối với việc hình thành ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.
Hoạt động nghiên cứu, sản xuất tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc |
Hoạt động công nghệ cao là hoạt động nghiên cứu, phát triển, tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Đặc biệt, Điều 4 của Luật đã nêu rõ chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao. Đó là, huy động các nguồn lực đầu tư, áp dụng đồng bộ các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi ở mức cao nhất về đất đai, thuế và ưu đãi khác cho hoạt động công nghệ cao nhằm phát huy vai trò chủ đạo của công nghệ cao trong phát triển khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Đẩy nhanh việc ứng dụng, nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, tham gia vào những khâu có giá trị gia tăng cao trong hệ thống cung ứng toàn cầu. Dành ngân sách nhà nước và áp dụng cơ chế tài chính đặc thù để thực hiện nhiệm vụ, chương trình, dự án về công nghệ cao, nhập khẩu một số công nghệ cao có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh…
Cũng trong Luật Công nghệ cao năm 2008, đã xác định tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong 4 lĩnh vực công nghệ gồm: Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Công nghệ vật liệu mới; Công nghệ tự động hóa.
Tiếp nối “dòng chảy” khuyến khích phát triển công nghệ cao, ngày 31/12/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2457/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát, thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và tạo ra công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; sản xuất sản phẩm, hình thành doanh nghiệp và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao; xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao.
Trong đó, đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020, nghiên cứu, làm chủ, phát triển tạo ra các công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Tạo ra được ít nhất 10 công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng gấp đôi so với năm 2015, tạo ra các dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao, giải quyết các nhiệm vụ chủ chốt trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
Hình thành và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng kinh tế trọng điểm…
Quyết tâm phát triển công nghệ cao được khẳng định hơn với các giải pháp hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao. Đó là, tài trợ toàn bộ chi phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực; có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra các sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra các dịch vụ công nghệ cao công ích, hình thành các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khoa học; hình thành tập thể nghiên cứu khoa học mạnh; hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài để nghiên cứu giải quyết các vấn đề thực tiễn có tác động quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội…
Ngày 27/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030. Mục tiêu của chương trình giai đoạn này đó là nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ; hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này.
Cụ thể, phát triển và làm chủ được 20 công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, ứng dụng có hiệu quả vào hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao của doanh nghiệp.
Gia tăng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 60% tổng giá trị xuất khẩu trong công nghiệp chế biến chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.
Xây dựng và phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; xây dựng và phát triển khoảng 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước.
Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 bao gồm 3 chương trình thành phần: Chương trình nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ cao, phát triển sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì; chương trình phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao do Bộ Công Thương chủ trì; chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.
Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện chương trình ở giai đoạn mới gồm: Rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm thúc đẩy nghiên cứu, làm chủ và phát triển công nghệ cao; ứng dụng hiệu quả công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường; sản xuất sản phẩm, dịch vụ, hình thành doanh nghiệp và phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với đó, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ; hỗ trợ kinh phí cho các dự án nghiên cứu công nghệ cao đạt trình độ công nghệ tiên tiến trong khu vực; có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra các sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra các dịch vụ công ích công nghệ cao...
Quyết tâm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, đối với việc thúc đẩy phát triển công nghệ cao nói chung, trong đó có thu hút, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp từ nước ngoài đầu tư vào công nghệ cao tại Việt Nam thời gian qua nói riêng, ngay sau khi Luật Công nghệ cao năm 2008 được Quốc hội thông qua, Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan đã tích cực, chủ động tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cũng như ban hành theo thẩm quyền một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ cao |
Cho đến thời điểm này, hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để thúc đẩy phát triển công nghệ cao đã tương đối đầy đủ, đồng bộ, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động công nghệ cao triển khai thực hiện, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Lê Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, phát triển công nghệ cao là xu thế tất yếu. Trong thời gian qua, từ khi Luật Công nghệ cao ra đời, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để tham mưu, xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển công nghệ cao chung trong cả nước.
"Việc phát triển công nghệ cao tập trung nhiều vào đối tượng là các tổ chức khoa học và công nghệ hoặc các doanh nghiệp trong cả nước nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, đồng thời, đưa công nghệ cao áp dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp" - ông Nguyễn Lê Hùng nhấn mạnh.
Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên rà soát để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ cao trong từng thời kỳ (như: Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; tiêu chí doanh nghiệp công nghệ cao...).
Đồng thời, phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, chỉnh sửa các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với hoạt động công nghệ cao trong các pháp luật chuyên ngành (như về: Đất đai, xây dựng, đầu tư, thuế...). Bộ Khoa học và Công nghệ cũng chủ động rà soát, chỉnh sửa, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm về: tiêu chí dự án ứng dụng công nghệ cao, tiêu chí thu hút dự án đầu tư vào khu công nghệ cao...
Mặt khác, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia có liên quan như: Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030...
Trong đó, đối tượng trọng tâm là nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, ứng dụng hiệu quả vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Đảng về thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nhiều cơ chế, chính sách thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đã được ban hành. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành một số chương trình, kế hoạch nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Triển khai các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghệ cao có liên quan, nhiều công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại đã được tập trung nghiên cứu, làm chủ, phát triển và ứng dụng hiệu quả vào thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, chính sách, pháp luật về ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện, quy định tại Luật Công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi liên quan đến các hoạt động công nghệ cao đã được quy định lồng ghép trong các pháp luật chuyên ngành về đầu tư, đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. |
Bài 2: “Trái ngọt” trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao