Longform | Cơ hội kết nối giao thương tại Tuần trưng bày sản phẩm OCOP Nghệ An Du lịch OCOP Nghệ An - “Mảnh đất màu mỡ” |
Xác định Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế trọng điểm, không chỉ gắn với xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, ở Nghệ An bên cạnh một số địa phương đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP thì vẫn có những địa phương đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí đang loay hoay tìm và xây dựng sản phẩm OCOP.
Tôn vinh nông sản địa phương
Sau hơn 4 năm triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" – tỉnh Nghệ An đã tạo ra dấu ấn đậm nét, mức độ lan tỏa không thể phủ nhận.
Tương Sa Nam ( huyện Nam Đàn) đạt 4 sao OCOP vào năm 2019. |
Ông Phùng Thành Vinh - Giám đốc Sở NN-PTNT Nghệ An, cho biết chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã trở thành phong trào sâu rộng và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo, bứt phá đi lên góp phần đưa sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của Nghệ An dồi dào về số lượng, phong phú về thể loại, chất lượng, giá trị, thu nhập ngày càng cao góp phần đưa diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. “Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, không chỉ giúp gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy nâng tầm thương hiệu đặc sản của địa phương. Đồng thời, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất, sản phẩm có chất lượng an toàn đã được người tiêu dùng trong cả nước đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và hướng đến xuất khẩu…”, ông Vinh cho biết.
Ông Vinh nhận định, “dòng chảy” phân hạng OCOP đã thổi một làn gió mới, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm đặc trưng, đặc thù ở các địa phương. Đơn cử, như các làng nghề truyền thống ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, TP. Vinh… từ khi thực hiện chương trình đến nay đã có 99 sản phẩm mới được ra đời và được công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.
Nghệ An hiện có 403 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên |
Quả ngọt từ chương trình OCOP, đó là tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động và 1.800 - 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 4 - 4,4 triệu đồng/người/tháng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Đặc biệt, là phát huy vai trò phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, điển hình như: Sản phẩm Dệt Thổ cẩm gắn với các Làng du lịch cộng đồng (Homestay) bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến huyện Quỳ Châu; bản Khe Rạn (xã Bồng Khê), bản Nưa (xã Yên Khê) huyện Con Cuông, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 hộ với 205 lao động, thu nhập bình quân 3,8 - 4,2 triệu đồng/người/tháng, ngoài ra góp phần giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa, cảnh quan môi trường của địa phương.
Đối với các sản phẩm sau khi được công nhận đã thay đổi tư duy, lối nghĩ tích cực, đây được xem là chất xúc tác để các sản phẩm OCOP của Nghệ An lớn mạnh không ngừng. Nhiều dòng sản phẩm đã tăng lợi nhuận hàng năm từ 10 - 15% như: Sản phẩm thủy sản của Công ty cổ phần Biển Quỳnh; dược liệu của Công ty dược liệu Pù Mát; Lạc của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Sỹ Thắng; Sen của HTX nông nghiệp Sen quê Bác; Thịt bò giàng của HTX sản xuất và kinh doanh bò giàng Thảo Hảo; Hương trầm của Công ty TNHH Hương trầm Liên Đức; giò bê Chung Tài của hộ sản xuất Lê Đình Chung...
Số lượng phải đi kèm với chất lượng, có như thế mới tạo ra chiều sâu, điểm nhấn và sức hút. Nhìn chung các sản phẩm OCOP của Nghệ An đều đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc. Điểm sáng trong cách làm có thể kể đến Công ty TNHH Đức Phong, Công ty Cổ phần Dược liệu Pù Mát, Công ty Cổ phần Khoa học công nghệ tảo Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Sản xuất ATC, HTX Nông nghiệp Sen Quê Bác, Công ty Hasafood Công ty Cổ phần Tập đoàn BOMETA, Công ty TNHH MAMI FARM...
Sản phẩm OCOP “mang chuông đi đánh xứ người”
Nghệ An là một trong số các các địa phương phát triển mạnh các sản phẩm OCOP. Địa phương này hiện có 403 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, đứng thứ 2 cả nước về số lượng (sau TP.Hà Nội). Trong đó có 43 sản phẩm đạt 4 sao và 1 sản phẩm vừa được Trung ương đánh giá đạt tiêu chuẩn 5 sao. Các sản phẩm được gắn sao OCOP như là định danh cho thương hiệu, rất thuận lợi cho doanh nghiệp khi tiêu thụ sản phẩm, và nhất là khi tham gia xuất khẩu.
Không dè dặt khi mang sản phẩm mình ra “biển lớn”, hàng trăm sản phẩm OCOP thuộc các ngành hàng đã tham gia các Hội chợ thương mại trong và ngoài nước. Tự tin với hàng hóa chất lượng cao, giá thành đảm bảo, và quan trọng nhất đây là sản phẩm đặc trưng, phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước.
Sản phẩm đèn lồng đạt OCOP 5 sao của công ty TNHH Mây tre đan Đức Phong đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới. |
Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Đức Phong (có các sản phẩm đèn lồng đạt OCOP 5 sao) ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: "Qua các lần hội chợ, được gặp gỡ các doanh nghiệp, nhà mua là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, qua đó góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của mình. Ngoài các góp ý từ các nhà thu mua, doanh nghiệp tiêu thụ, các cơ sở, chủ thể OCOP của tỉnh Nghệ An cũng có dịp chia sẻ các kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm cho các đối tác, bạn hàng...".
“Các chủ thể OCOP khi tham gia cần hiểu rằng, khi ra mắt một sản phẩm thì phải xem có sản phẩm đồng dạng trên thị trường hay không. Để từ đó các đơn vị có hướng tính toán đến tính cạnh tranh của sản phẩm…
Các kinh nghiệm có được từ các cuộc hội chợ rất bổ ích cho các đơn vị làm sản phẩm OCOP. Chúng ta hiểu rằng, mình phải thay đổi nhiều hơn về mẫu mã, chất lượng và cách tiếp cận thị trường để từ đó, sản phẩm OCOP của HTX vươn xa hơn ở các thị trường trong nước cũng như xuất khẩu”, anh Phạm Kim Tiến - Giám đốc HTX Sen Quê Bác (huyện Nam Đàn) chia sẻ.
Ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, cho biết nhiều năm qua Sở đã tập trung hỗ trợ các chủ thể OCOP trong tất cả hoạt động xúc tiến thương mại. Kết quả, đã có nhiều chủ thể OCOP ký kết hợp đồng với các siêu thị, trung tâm thương mại; thông qua hoạt động quảng bá sản phẩm, hầu hết doanh nghiệp đều có doanh thu tăng trưởng tốt. Ngoài ra, tỉnh Nghệ An còn đẩy mạnh chương trình hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia kênh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, hỗ trợ mang các sản phẩm đi tham gia rất nhiều chương trình xúc tiến thương mại hay hội chợ trong cả nước.
Nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An đã xác định không thực hiện Chương trình OCOP ồ ạt, làm theo phong trào, mà đi vào thực chất, với phương châm "chậm mà chắc". |
Để kết tinh thành quả đòi hỏi nhiều yếu tố, bên cạnh sự nỗ lực, sáng tạo của các chủ thể, không thể bỏ qua hiệu ứng đến từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm mà các cấp ngành tỉnh Nghệ An đã dày công gầy dựng hơn 4 năm qua. Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhiều chương trình hợp tác, tiêu thụ sản phẩm với các đối tác từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… được ký kết. Trải dài khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam, quá trình phối, kết hợp ngày càng quy mô, nhuần nhuyễn.
Hiện đã có trên 20 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã thực hiện ký kết nguyên tắc đưa sản phẩm vào một số hệ thống phân phối hàng hóa lớn như Bách Hóa Xanh, Central retail, MM Mega Market, Wincommerce, Lotte...; có 175 sản phẩm OCOP được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) một số sản phẩm OCOP như: Trà dược liệu Pù Mát, sản phẩm từ sen của HTX Sen Quê Bác, Bánh đa Đô Lương, Lạc sen Diễn Châu, thủy hải sản Biển Quỳnh, Cửa Lò, Giò bê Nam Đàn... Các chủ thể đã được tham gia trưng bày sản phẩm tại 51 hội chợ; 20 hội nghị kết nối cung cầu và trưng bày trong một số hội nghị chuyên ngành…Nhiều sản phẩm có mặt ở các hệ thống bán lẻ hiện đại, xây dựng được mạng lưới phân phối rộng lớn và trở thành mặt hàng xuất khẩu, được thị trường đón nhận tích cực, doanh thu hàng năm đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay các sản phẩm OCOP đang chịu sự cạnh tranh gắt gao từ các sản phẩm khác trên thị trường. Đòi hỏi, các chủ thể, doanh nghiệp phải tạo được sự khác biệt sản phẩm, nâng cấp chất lượng sản phẩm, tiếp cận khách hàng tiềm năng mới. Từ đó, các doanh nghiệp, chủ thể mới tiếp tục sải bước tiến dài trên hành trình gây dựng thương hiệu nông sản địa phương đến với thị trường trong và ngoài nước.
Bài 2: Những khó khăn trong định vị và nâng tầm sản phẩm OCOP