Bắc Kạn: Mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản thế mạnh Bắc Kạn: Người có uy tín, trưởng thôn là cầu nối giữa chính quyền với nhân dân |
Là một trong những tỉnh miền núi địa hình chia cắt, 88% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, có 2/8 huyện nghèo, 67/108 xã đặc biệt khó khăn, mục tiêu giảm nghèo bền vững nói chung giảm nghèo thông tin nói riêng của Bắc Kạn gặp những thách thức không nhỏ.
Nhằm triển khai thực chất và hiệu quả công tác giảm nghèo thông tin, đầu năm 2023 UBDN tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch Thực hiện Tiểu dự án “Giảm nghèo thông tin” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Thông qua Tiểu dự án Giảm nghèo thông tin, Bắc Kạn tuyên truyền, lan tỏa nhiều mô hình kinh tế hiệu quả |
Kế hoạch được ban hành với những mục tiêu rất cụ thể. Trong đó, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền thuộc cơ quan Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện; cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan, tổ chức ở cấp huyện; cán bộ thông tin cơ sở trên địa bàn huyện, thành phố…
Tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Theo đó, bổ sung lắp đặt thêm các cụm loa truyền thanh ứng dụng công nghiệp thông tin viễn thông nhằm mở rộng diện tích phủ sóng loa truyền thanh tại các thôn và đáp ứng nhu cầu thông tin tuyên truyền của người dẫn; đảm bảo 100% xã có đài truyền thanh hoạt động có cụm loa đến thôn.
Trong đó, địa phương đầu tư thiết lập mới 3 đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông tại các xã: Mỹ Thanh, Nguyên Phúc, Đôn Phong (huyện Bạch Thông). Thiết bị bao gồm 3 bộ máy tính và 34 cụm loa và một số thiết bị liên quan; mở rộng quy mô cụm loa đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thông tại 27 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, Đài phát thanh và Truyền hình, Báo Bắc Kạn thực hiện sản xuất các chương trình, ấn phẩm tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững; công tác xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; các hoạt động kinh tế, các mô hình mới, cách làm hay tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho người dân...
Những nội dung trên đã và đang được các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện, kết quả bước đầu đạt được khá khả quan. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông cũng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, các dịch vụ viễn thông đảm bảo chất lượng ổn định. Hệ thống đài truyền thanh được đầu tư nâng cấp, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, nhất là các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng đặc biệt khó khăn.
Kết quả này góp sức vào thành quả công cuộc giảm nghèo thông tin của Bắc Kạn. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh giảm từ 27,37% xuống còn 24,71%. Tỷ lệ hộ nghèo thiếu hụt chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản về giảm nghèo về thông tin: Sử dụng dịch vụ viễn thông còn 27,76%, thiếu hụt về phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin còn 7,8%.
Đặc biệt, kế hoạch được thực hiện còn giúp người dân trên địa bàn tỉnh chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như tiếp cận với thương mại điện tử để lưu thông hàng hoá.
Đặc biệt, cuối tháng 5/2023 vừa qua, Bắc Kạn đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Việt Nam (Viettel). Theo đó, Tập đoàn Viettel sẽ hỗ trợ tỉnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, mở rộng vùng băng rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên phủ sóng 3G/4G đối với các vùng “trắng sóng”, vùng “lõm” sóng tại các thôn, bản trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, phát triển 5G tại các địa bàn trọng yếu...
Việc bắt tay với Viettel kỳ vọng sẽ giúp dịch vụ viễn thông nói riêng, thông tin trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phổ biến hơn, giúp người dân trên địa bàn tiếp thu kiến thức mới, ứng dụng làm đa dạng hơn cuộc sống. Đặc biệt, sẽ hỗ trợ người dân biết và tiếp cận dần với các mô hình kinh tế mới, phù hợp để học hỏi, dần thoát nghèo bền vững.