Bắc Giang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then Chuyển đổi số: Hướng đi tất yếu để doanh nghiệp hội nhập |
Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số
Xác định tầm quan trọng của chuyển đổi số, ngày 11/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh; đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh, khơi dậy khát vọng tạo nên sức mạnh tinh thần bứt phá vươn lên hướng tới mục tiêu xây dựng Bắc Giang phát triển tổng thể, toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ 19.
Nghị quyết xác định rõ các mục tiêu cụ thể về xây dựng chính quyền số; kinh tế số; xã hội số, đồng thời đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện và lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số.
Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về chuyển đổi số; Chỉ đạo xây dựng Chuyên mục về Chuyển đổi số để đăng tải trên báo chí tỉnh, Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Cổng thành phần; tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua bản tin sinh hoạt chi bộ; Tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị về nâng cao nhận thức chuyển đổi số; Ký hợp tác triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang với Bộ Thông tin và Truyền thông và các tập đoàn như: VNPT, Viettel, Công ty cổ phần FPT về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản về kiến trúc, đề án, kế hoạch chiến lược 5 năm, kế hoạch hàng năm về chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh tỉnh Bắc Giang nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của tỉnh. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương xây dựng các Chương trình, Đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.
Trong quý III/2022, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung ban hành các văn bản chỉ đạo về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để cụ thể hóa văn bản do trung ương ban hành và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, như: Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định giảm 50% mức thu phí, lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 để khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ công theo phương thức trực tuyến; Quyết định số 2696/QĐ-UBND của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt danh mục thủ tục hành chính thực hiện thí điểm tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; Quyết định số 2834/QĐ-UBND của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Danh mục các nền tảng số quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2022; Quyết định số 2876/QĐ-UBND của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Danh mục dịch vụ công trực tuyến trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Bắc Giang; Kế hoạch số 364/KH-UBND về phát triển kinh tế số và xã hội số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030…
Một số kết quả nổi bật
Chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI tỉnh Bắc Giang năm 2020 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố (trong đó chỉ số xếp hạng chính quyền số đứng thứ 7, kinh tế số đứng thứ 14, xã hội số đứng thứ 25 trên 63 tỉnh, thành phố). Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI tỉnh Bắc Giang năm 2021 tiếp tục giữ hạng, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố (trong đó chỉ số nhận thức số đứng thứ 3, thể chế số đứng thứ 10, nhân lực số đứng thứ 14, hoạt động chính quyền số đứng thứ 23, hoạt động kinh tế số đứng thứ 6, hoạt động xã hội số đứng thứ 5).
Việc xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu các phần mềm, cơ sở dữ liệu của tỉnh đến các bộ, ngành thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP). Các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Kinh tế số của tỉnh bước đầu đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới (thương mại điện tử, dạy học online, khám, chữa bệnh từ,…); có sự chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về công nghệ thông tin sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh. Hiện toàn tỉnh hiện có 837 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, trong đó có 429 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, cung cấp dịch vụ phần cứng, điện tử; 16 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phần mềm; 263 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin và 129 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin.
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh quyét mã QR tra cứu thủ tục hành chính |
Xã hội số đã được quan tâm thực hiện tốt, tỉnh Bắc Giang đang tập trung hoàn thiện hạ tầng thông tin, phấn đấu xây dựng mạng internet cáp quang đến 100% hộ gia đình. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.8 triệu thuê bao điện thoại, 1,7 triệu thuê bao Internet được truy cập Internet tốc độ cao 3G, 4G; tỷ lệ hộ gia đình có máy tính đạt 72%; Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận một cửa các huyện, thành phố đã cung cấp điểm giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân về chuyển đổi số và công nghệ số; 47,85% các cơ sở y tế từ cấp xã trở lên có kết nối hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa; 85% (17/20) ngân hàng trên địa bàn đã cung cấp các dịch vụ tài chính - ngân hàng điện; 9,07% số hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh.
Vừa qua, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2834/QĐ-UBND ngày 20/8/2022 về việc phê duyệt danh mục 15 nền tảng số quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Giang năm 2022, bao gồm: Nền tảng tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Giang được xây dựng, phát triển phục vụ kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức; Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu; Nền tảng trung tâm giám sát điều hành thông minh; Nền tảng họp trực tuyến; Nền tảng hóa đơn điện tử; Nền tảng định danh người dân và xác thực điện tử; Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở; Nền tảng địa chỉ số; Nền tảng dạy học trực tuyến; Nền tảng quản lý tiêm chủng; Nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; Nền tảng trạm y tế xã; Nền tảng khảo sát, thu thập ý kiến người dân; Nền tảng phát thanh số (trực tuyến) và Nền tảng truyền hình số (trực tuyến). Các sở, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai các nền tảng trên, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết số 111-NQ/TU của Ban chấp hành đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 324/KH-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thời gian qua toàn tỉnh đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trong các cơ quan, đơn vị địa phương, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm hướng tới nền hành chính công khai, minh bạch, hiện đại. Từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan Đảng, nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đảm bảo an ninh - quốc phòng của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: hạ tầng số của tỉnh chưa hoàn thiện; công tác đảm bảo an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức; nguồn nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu và yếu; một bộ phận lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức chưa thay đổi lề lối, thói quen làm việc trên môi trường mạng; người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới.
Người dân bấm số thứ tự giải quyết thủ tục tại bộ phận một cửa huyện Yên Thế |
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu cho tỉnh huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tập trung tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cộng đồng, tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân để hình thành công dân số, thúc đẩy chuyển đổi xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi trong quản lý điều hành để phát triển chính quyền số, đặc biệt quyết liệt triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành trung tâm trong quá trình chuyển đổi số; ưu tiên chuyển đổi số trên 9 lĩnh vực (y tế, giáo dục, tài nguyên và môi trường, công nghiệp và thu hút đầu tư, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, du lịch, báo chí, phát thanh và truyền hình, tư pháp và tố tụng) và triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để tạo ra các phát triển đột phá về công nghệ.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đẩy nhanh chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh.