Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua, ba luật trên đã được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) - cho biết, Luật DN 2020 đã hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị DN đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển DN, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN4.
Theo đó, những cải cách quan trọng nhất của Luật này gồm: Cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký DN, gia nhập thị trường. Luật bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định DN có thể sử dụng dấu “số” thay cho dấu “truyền thống”. Thiết lập cơ chế đăng ký DN qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay. Nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến.
Đối với Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, ông Quách Ngọc Tuấn – Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) – thông tin, luật này có 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục… với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn trên cơ sở bảo đảm an ninh, quốc phòng, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. “Đặc biệt, bổ sung kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào Danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; đồng thời tiếp tục cắt giảm một số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không cần thiết, bất hợp lý, gây cản trở quá trình gia nhập thị trường của người dân và DN. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021”- ông Quách Ngọc Tuấn nhấn mạnh thêm.
Đồng thời, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, góp phần nâng cao tính minh bạch, khả thi trong việc áp dụng cam kết về mở cửa thị trường của Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, Luật này đã quy định Danh mục ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cách tiếp cận "chọn bỏ" (Điều 9).
Đáng chú ý là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ông Nguyễn Đăng Trương – Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu – cho rằng, đây là luật mới hoàn toàn, đã kế thừa những quy định tốt đã và đang thực hiện, đồng thời bổ sung các nội dung mới, quan trọng, bảo đảm tính đặc thù của đầu tư PPP, tạo môi trường pháp lý ổn định hơn cho các dự án PPP trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Luật còn hoàn thiện các cơ chế tổng thể bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư để tăng tính hấp dẫn của dự án, thu hút đầu tư mạnh mẽ, cũng như bảo đảm việc thực hiện dự án thành công. “Đây là chính sách then chốt của Luật PPP, được nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế quan tâm và đánh giá là bước tiến trong chính sách thu hút đầu tư qua PPP tại Việt Nam”- ông Trương nói.
Khẳng định ba đạo luật trên đi vào đời sống sẽ tạo điểm nhấn mới, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cam kết, Bộ KH&ĐT cam kết, sẽ sớm hoàn thành các nghị định hướng dẫn. Mặc dù số lượng rất nhiều như Luật Đầu tư có 7 Nghị định hướng dẫn, Luật PPP có 3 Nghị định hướng dẫn.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh đánh giá cao nhiều quy định mới tại ba luật đã tiếp sức cho các DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Đặc biệt ấn tượng với khoản 3 điều 29 của Luật Đầu tư, quy định trường hợp tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ có một người đăng ký tham gia hoặc đấu giá không thành theo quy định của pháp luật về đất đai, hoặc trường hợp tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mà chỉ có một nhà đầu tư đăng ký theo quy định của pháp luật về đấu thầu, cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư khi nhà đầu tư đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật có liên quan.”- ông Lê Hoàng Châu cho biết.