Sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện: Xã sẽ nhận thêm 120 việc

Theo Bộ Nội vụ, sau khi sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, cấp xã/phường dự kiến sẽ nhận thêm 120 nhiệm vụ.
Tiêu chuẩn chức vụ nhân sự lãnh đạo cấp xã ra sao sau khi sáp nhập tỉnh? Sáp nhập tỉnh: Cơ hội 'vàng' tăng trưởng công nghiệp, thương mại Thông tin mới nhất về sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện

Bộ Nội vụ đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Nghị định quy định phân định thẩm quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ.

Theo Bộ Nội vụ, dự thảo được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong tình hình mới, trong đó dự kiến sau khi sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV), sẽ không còn tổ chức chính quyền cấp huyện. Do đó, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước cấp huyện hiện nay cần được điều chỉnh lại phù hợp.

Công chức TP Thủ Đức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Công chức TP. Thủ Đức giải quyết thủ tục hành chính cho người dân - Ảnh: Quang Định

Trên cơ sở đó, dự thảo đã phân định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước sau khi kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện.

Cụ thể, chính quyền cấp xã sẽ đảm nhiệm cả chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương cấp xã và một phần nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện. Các nhiệm vụ này chủ yếu là thực hiện chính sách do Trung ương và cấp tỉnh ban hành, tập trung vào phục vụ người dân, giải quyết các vấn đề tại cộng đồng và cung cấp dịch vụ công thiết yếu.

Chính quyền cấp tỉnh sẽ thực hiện vai trò quản lý, kiểm tra và giám sát đối với hoạt động của cấp xã.

Dự thảo quy định 120 nhiệm vụ thuộc 8 lĩnh vực sẽ được chuyển từ cấp huyện xuống cấp xã, bao gồm: Văn thư, lưu trữ, thi đua, khen thưởng, tiền lương, bảo hiểm xã hội, việc làm an toàn lao động, tổ chức cán bộ, thanh niên, bình đẳng giới, tổ chức phi chính phủ và người có công.

Đồng thời, 21 nhiệm vụ thuộc 4 lĩnh vực sẽ được chuyển từ cấp huyện lên cấp tỉnh.

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định đây là một cuộc cải cách căn bản và toàn diện nhằm xây dựng một chính quyền địa phương hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, hướng đến mục tiêu cải cách nền công vụ theo tinh thần đổi mới tư duy và phát triển.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, trọng tâm cải cách nằm ở việc xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thay vì 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) như hiện hành. Đặc biệt, dự luật cũng quy định mô hình đặc khu cho 13 huyện đảo, và đưa ra tiêu chí cụ thể cho các đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt, dù vẫn nằm trong tổng thể chính quyền hai cấp.

Bên cạnh đó dự thảo cũng phân định rành mạch thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương. Trong đó nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện sẽ chuyển cho xã, phường mới và còn phân cấp thêm từ tỉnh xuống.

"Như vậy nhiệm vụ, quyền hạn của xã, phường mới sẽ rất nặng. Qua rà soát 99 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện, có 90 nhiệm vụ của cấp này sẽ chuyển cho cấp xã mới. Với 9 nhiệm vụ còn lại được đưa lên cấp tỉnh", bà Trà thông tin.

Chí Tâm

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.