15:26 | 09/05/2025
Phát triển khu công nghiệp mới gắn với tăng trưởng xanh
Ngày 9/5, Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HEPZA) phối hợp UBND huyện Bình Chánh tổ chức “Hội nghị công bố quy hoạch phát triển các khu công nghiệp thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và thảo luận các giải pháp thu hút đầu tư trong năm 2025.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh phát triển khu công nghiệp mới, hướng đến phát triển xanh và công nghệ cao (ảnh minh họa). |
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Thanh Trực - Phó Trưởng ban HEPZA - cho biết: Trong giai đoạn phát triển mới, TP. Hồ Chí Minh xác định giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp hiện hữu. Đồng thời, chuyển đổi theo chiều sâu, tái cơ cấu theo hướng hiện đại với các trụ cột gồm công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế xanh và tuần hoàn.
Hiện thành phố đang phối hợp thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp (KCN) gồm Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu theo mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, kết hợp khu đô thị - dịch vụ hoặc trung tâm logistics. Đây là bước đi quan trọng trong tiến trình nâng chất không gian sản xuất, thay thế mô hình công nghiệp thâm dụng lao động, tiêu tốn tài nguyên bằng công nghiệp sạch, tạo giá trị gia tăng cao.
Song song đó, TP. Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 3.833 ha. Trong đó, giai đoạn 2025 - 2027 sẽ triển khai 4 khu công nghiệp, gồm: Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, Vĩnh Lộc 3 và Nhị Xuân. Giai đoạn 2027 - 2030 đầu tư 5 khu công nghiệp: An Phú, Trung An, Lê Minh Xuân 4, Phạm Văn Hai III và Hiệp Phước 3. Giai đoạn 2030 - 2033 phát triển thêm 5 khu, gồm: Tân Phú Trung 2, 3, 4 và Bình Khánh 1, 2.
Phát triển KCN cần đồng bộ hạ tầng và hướng đến công nghệ sạch
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp đánh giá, việc bổ sung thêm 14 khu công nghiệp mới là bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao về quy hoạch tổng thể. Thành phố cần xác định rõ tính chất từng khu là công nghiệp chế biến, công nghiệp công nghệ cao hay công nghiệp hỗ trợ, để đảm bảo tránh trùng lặp, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng của từng địa phương.
![]() |
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh: Sau hơn 30 năm phát triển, công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã đến giới hạn về lao động, công nghệ, quản trị, buộc phải chuyển đổi mạnh mẽ gắn với tăng trưởng xanh. Ảnh: Sỹ Đông. |
Các chuyên gia cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần nhanh chóng triển khai các khu công nghiệp mới theo hướng chuyên đề như công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, logistics và tuần hoàn. Đồng thời, tận dụng tối đa cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98 để rút gọn thủ tục, phân cấp ủy quyền, tăng tính chủ động cho các Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp.
Song song, việc rà soát lại giá thuê đất, chính sách thu hút đầu tư cần được thực hiện sát với thực tiễn, có tính cạnh tranh hơn. Thành phố cũng nên đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đầu tư, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch và hiệu quả hơn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp hạ tầng kiến nghị việc phát triển khu công nghiệp cần tính đến điều kiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ, bao gồm điện, nước, giao thông cũng như các tiện ích dân sinh như nhà ở, bệnh viện, trường học phục vụ cho người lao động và chuyên gia.
Từ góc độ thực tiễn, ông Võ Thanh Phong - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng, nếu quy định ngành nghề đầu tư quá chặt sẽ gây khó khăn trong quá trình kêu gọi đầu tư. Quan trọng là các dự án đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Về nguồn lực tài chính, ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. Hồ Chí Minh thông tin: Thành phố có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay dưới 200 tỷ đồng, thời hạn 7 năm dành cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao và công viên phần mềm Quang Trung.
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định, sau hơn 30 năm phát triển, công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã đến giới hạn về lao động, công nghệ, quản trị, buộc phải chuyển đổi mạnh mẽ. Nhấn mạnh, các khu công nghiệp hiện hữu cần thay đổi sớm, không đợi hết thời gian hoạt động. Phó Chủ tịch đánh giá cao 5 khu công nghiệp đã chủ động lập đề án chuyển đổi, trong đó Tân Thuận đi đầu khi thuê tư vấn chuyên nghiệp.
“Hiện nay, việc thành lập khu công nghiệp thuộc thẩm quyền UBND TP. Hồ Chí Minh nên thủ tục đã đơn giản hơn, vấn đề còn lại là cải cách mạnh mẽ, tinh gọn quy trình để thu hút đầu tư”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nói. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/tp-ho-chi-minh-phat-trien-them-14-khu-cong-nghiep-moi-386823.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.