Tin Công Thương 21/4: Giá xuất khẩu gạo sẽ sớm khởi sắc

Ngày 21/4, báo chí đã đưa nhiều thông tin liên quan đến ngành Công Thương. Báo Công Thương xin điểm lại một số thông tin đáng chú ý.
Tin Công Thương 11/4: Đẩy mạnh xuất khẩu qua thương mại điện tử Tin Công Thương 14/4: Thương mại điện tử len lỏi mạnh mẽ ở nông thôn Tin Công Thương 15/4: Thanh long soán ngôi 'vua' trái cây

Lĩnh vực năng lượng

Trên báo Gia Lai đăng tải thông tin: "Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực".

Theo báo cáo đánh giá chi tiết tiềm năng kỹ thuật năng lượng gió ngoài khơi Việt Nam do Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam vừa công bố, theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất khu vực.

Trên báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: "Tăng phụ tải, nguy cơ thiếu điện mùa khô".

Ngành điện vừa cảnh báo về nguy cơ thiếu điện trong cao điểm nắng nóng năm nay. Cụ thể, năm nay, nguy cơ thiếu điện không còn nằm ở thời tiết cực đoan nhất thời, mà sẽ xuất phát từ tình trạng phụ tải tăng nhanh trong khi nguồn cung và hạ tầng truyền tải vẫn chậm cải thiện.

Lĩnh vực xuất nhập khẩu

Trên tạp chí Mekong Asean thông tin: "Việt Nam xuất siêu 4,1 tỷ USD hàng nông sản kể từ đầu năm 2025".

Việt Nam xuất siêu 4,19 tỷ USD hàng nông sản, tăng 11,4% so với mức 3,75 tỷ USD tại cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 8,08 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 3,89 tỷ USD, tăng 8,7% cùng kỳ năm trước.

Tin Công Thương 21/4: Giá xuất khẩu gạo sẽ sớm khởi sắc
Việt Nam xuất siêu 4,19 tỷ USD hàng nông sản trong kỳ, tăng 11,4% so với mức 3,75 tỷ USD tại cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa

Về xuất khẩu, trong kỳ, các mặt hàng nông sản có kim ngạch tỷ USD bao gồm cà phê với 3,3 tỷ USD, tăng tới 46,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hạt điều cũng tăng 5% cùng kỳ năm trước, lên mức 1,03 tỷ USD.

Trên Thời báo Tài chính đưa tin: "Dự báo, giá xuất khẩu gạo Việt sớm khởi sắc trở lại".

Các chuyên gia nhận định, gạo xuất khẩu của Việt Nam ở phân khúc chất lượng cao và có thương hiệu, nên giá xuất khẩu dự báo sẽ sớm khởi sắc trở lại.

Tin Công Thương 21/4: Giá xuất khẩu gạo sẽ sớm khởi sắc
Giá xuất khẩu dự báo sẽ sớm khởi sắc trở lại. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) từ đầu tháng 4/2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang hồi phục. So sánh trong các nước xuất khẩu gạo hàng đầu, hiện giá gạo tẻ thường tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu, với 396 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo tẻ thường 5% tấm của Thái Lan là 395 USD/tấn, Pakistan là 387 USD/tấn và Ấn Độ là 376 USD/tấn. Đồng thời, giá các loại gạo đặc sản xuất khẩu của Việt Nam hiện cũng vượt xa giá gạo đặc sản của Thái Lan và Ấn Độ.

Lĩnh vực thị trường trong nước

Tạp chí Tài chính đưa tin: "Ngành dự trữ Nhà nước triển khai thầu mua 220.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia".

Thực hiện chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao về mua nhập kho dự trữ quốc gia năm 2025, 15 Chi cục Dự trữ Nhà nước trên toàn quốc đã đóng, mở thầu mua 220.000 tấn gạo (phân chia thành 194 gói thầu) nhập kho dự trữ quốc gia kế hoạch năm 2025.

Báo Kinh tế Đô thị đăng tải thông tin: "Dưa hấu Quảng Nam mất mùa, rớt giá".

Hiện nay, người trồng dưa hấu tại Quảng Nam, đặc biệt là huyện Phú Ninh - vùng chuyên canh dưa hấu lớn nhất tỉnh - đang rơi vào cảnh khốn đốn khi giá dưa giảm mạnh, nhiều ruộng không có người mua.

Ông Nguyễn Thành Đức, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phú Ninh cho biết, vụ Đông Xuân năm 2025, toàn huyện có khoảng 400 ha dưa hấu, riêng xã Tam Phước chiếm 120 ha. Năng suất trung bình đạt khoảng 32 tấn/ha. Tuy nhiên, giá bán hiện chỉ dao động từ 3.000 - 5.500 đồng/kg, khiến người trồng gặp nhiều khó khăn. Nỗi lo đầu ra và giá cả vẫn đang đè nặng lên vai người nông dân xứ Quảng.

Lĩnh vực thương mại điện tử

Trên Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đăng tải thông tin: "Tiểu thương trên sàn thương mại điện tử: Ai đang bảo vệ họ?"

Sự bùng nổ của thương mại điện tử mở ra cơ hội kinh doanh rộng lớn cho hàng trăm ngàn cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ - những “tiểu thương số” trong nền kinh tế số. Thế nhưng, đằng sau vẻ ngoài sôi động ấy là một thực tế không mấy dễ chịu: Tiểu thương đang ngày càng phụ thuộc vào các nền tảng lớn mà không có cơ chế bảo vệ quyền lợi rõ ràng.

Trang nguoiduatin.vn có bài: "Hơn 38.000 shop biến mất, thương mại điện tử bước vào giai đoạn "thanh lọc".

Theo Báo cáo tổng quan Thị trường sàn bán lẻ trực tuyến của Metric, trong quý I/2025, tổng doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 101.400 tỷ đồng, tăng 42,29% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng hàng hóa tiêu thụ đạt 950,7 triệu sản phẩm, tăng 24% so với quý I năm ngoái.

Tuy vậy, số lượng nhà bán có phát sinh đơn hàng lại ghi nhận mức giảm đáng kể, chỉ còn 472.500 shop, giảm 7,45%, tương đương hơn 38.000 shop rời khỏi cuộc chơi so với cùng kỳ (quý I/2025, số liệu chỉ thống kê trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Tiktok Shop).

Báo Công Thương

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.