16:02 | 12/04/2025
Sơn La: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho sản phẩm long nhãn Dâu tây Sơn La cất cánh cùng Vietnam Airlines Longform | Sơn La: Cà phê Bích Thao và hành trình xây dựng thương hiệu |
Tự hào trái quý Sơn La
Là một trong những địa phương có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đến hơn 82%, những năm qua, kinh tế nông nghiệp là giải pháp vô cùng quan trọng giúp Sơn La thoát nghèo. Được coi là vựa nông sản lớn nhất miền Bắc, tỉnh Sơn La được biết đến với nhiều loại nông sản đặc trưng như nhãn, xoài, thanh long… Riêng với nhãn, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích và sản lượng nhãn lớn nhất cả nước với hơn 19.600 ha, sản lượng ước đạt 98.500 tấn vào năm 2021. Trong đó, huyện Sông Mã chiếm hơn 55% sản lượng toàn tỉnh, với khoảng 7.200 ha nhãn, sản lượng trên 55.800 tấn. Nhãn Sông Mã đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường như Australia và Trung Quốc.
![]() |
Nhãn là loại trái cây đặc trưng, cho thu nhập cao của Sơn La (Ảnh: VGP) |
Cây nhãn bén duyên với vùng đất biên cương Sơn La từ những năm 1960-1970 của thế kỷ trước, do người dân Hải Hưng (nay là Hưng Yên và Hải Dương) ngày đó lên xây dựng vùng kinh tế mới, khai hoang lập nghiệp, đem giống cây nhãn lồng lên đây trồng thử, không ngờ cây nhãn nhanh chóng thích nghi với thổ nhưỡng, đơm hoa kết trái và cho quả ngọt. Cùng với xuất bán quả tươi ra thị trường, tỉnh còn tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng nhãn phát triển nghề chế biến long nhãn, xây dựng thương hiệu long nhãn Sơn La.
Tại Sông Mã, ban đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông Mã, thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong (huyện Sông Mã). Dần dần cây nhãn ngày càng mở rộng diện tích và trở thành đặc sản của vùng này. Cây nhãn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Đầu tư chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm
Dù nhãn là loại quả cho giá trị cao song thời gian thu hoạch ngắn. Để đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị, bằng nguồn vốn khuyến công, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ xây dựng 726 kho bảo quản lạnh, lò sấy và dây chuyền máy móc với tổng kinh phí hơn 27,4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất chế biến các loại hoa quả và nông sản khác với kinh phí hơn 2,2 tỷ đồng.
![]() |
Nguồn kinh phí khuyến công được dành hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất long nhãn (Ảnh: Sở Công Thương Sơn La) |
Đầu năm 2023, gia đình bà Lành Thị Ne - dân tộc Thái, ở bản Mé Bon, xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã đã được hỗ trợ 30 triệu đồng (1.200 USD) để làm lò sấy long nhãn. Lò sấy không chỉ giúp giải quyết đầu ra cho hơn 3.000 m2 nhãn của gia đình, mà nhà bà còn có thể thu mua thêm nhãn của các hộ khác để làm sản phẩm long nhãn.
“Khi bán quả tươi, quả bé bán thường không được giá. Được Nhà nước hỗ trợ làm lò sấy, chúng tôi bóc sấy thì bán được giá cao” – bà Lành Thị Ne chia sẻ.
![]() |
Long nhãn của HTX Bảo Minh được chứng nhận OCOP (Ảnh: HTX Bảo Minh) |
Trong khi đó, tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã, 14 hộ gia đình đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, với tổng diện tích cây ăn quả gần 60 ha. Theo chia sẻ của đại diện HTX, vụ nhãn ngày xưa chỉ 1 tháng, nay kéo dài tới 6 - 7 tháng do có thêm sản phẩm long nhãn. Nhờ đó, sản phẩm cho thu nhập cao, người dân cũng đỡ vất vả.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương Sơn La đã hỗ trợ cho 2 cơ sở (long nhãn Đạt Thủy ở huyện Mai Sơn; long nhãn Bảo Minh ở huyện Sông Mã) tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực phía Bắc năm 2022.
Long nhãn của HTX Bảo Minh được sản xuất từ 100% cùi quả nhãn tươi sấy khô, từ các loại nhãn Sông Mã nổi danh như nhãn Miền Thiết, nhãn chín sớm, nhãn chín muộn, nhãn chất lượng đạt chỉ tiêu xuất khẩu. Những quả nhãn tươi ngon, mỏng nước được thu hái về, rửa sạch, sau đó được bóc vỏ, tách hạt và đưa vào lò hơi sấy khô tự nhiên, hoàn toàn không có chất bảo quản và không thêm bất cứ loại chất tạo ngọt nào. Hiện nay, long nhãn sấy khô của HTX Bảo Minh ở huyện Sông Mã (Sơn La) là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, có lối canh tác an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Nhãn Sơn La” cho sản phẩm quả nhãn tươi và long nhãn của tỉnh. Việc này giúp bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm nhãn Sơn La.
Hiện nay, Sơn La đã kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Fusa và Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để đưa nhãn Sơn La ra thị trường quốc tế. Nhờ đó, không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa, long nhãn Sơn La hiện đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc.
Long nhãn không chỉ là sản vật, mà còn là một trong những niềm tự hào, là “đại sứ văn hóa” của vùng đất Tây Bắc. Khi có chiến lược phát triển đúng đắn, long nhãn Sơn La hoàn toàn có thể chinh phục nhiều thị trường cao cấp hơn – từ món quà quê thành món quà quốc tế.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La, năm 2024, diện tích trồng nhãn toàn tỉnh đạt gần 20.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 100.000 tấn. Trong đó, khoảng 30% sản lượng được đưa vào chế biến, chủ yếu là long nhãn. Đây là hướng đi chiến lược giúp nâng cao giá trị gia tăng, kéo dài thời gian bảo quản và mở rộng thị trường xuất khẩu. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/long-nhan-son-la-vang-ngot-cua-nui-rung-tay-bac-382694.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.