19:08 | 24/02/2025
Lý do thực sự khiến nhà sáng lập Telegram bị bắt? Vì sao Zalo, Telegram cần được quản lý như dịch vụ viễn thông? Tiếp tục đề xuất quản lý dịch vụ OTT như Zalo, Viber, Telegram |
Án phạt triệu USD
Theo thông báo từ Ủy ban An toàn Điện tử Úc (eSafety), Telegram đã nhận được yêu cầu từ tháng 5/2024 về các biện pháp kiểm soát nội dung cực đoan và lạm dụng trẻ em. Tuy nhiên, nền tảng này không phản hồi đúng thời hạn vào tháng 10/2024 mà phải mất đến 160 ngày mới cung cấp thông tin.
Vì sự chậm trễ này, eSafety đã ra quyết định xử phạt Telegram số tiền 957.780 AUD (tương đương gần 1 triệu USD). Cơ quan này nhấn mạnh rằng sự chậm trễ này đã cản trở nghiêm trọng công tác giám sát an toàn trực tuyến trong nhiều tháng.
![]() |
Telegram có 28 ngày để yêu cầu rút lại thông báo vi phạm, nộp tiền phạt hoặc xin gia hạn nộp tiền phạt. Ảnh: The Guardian. |
Bà Julie Inman Grant, Ủy viên eSafety cho rằng cần có sự minh bạch lớn hơn từ các công ty công nghệ để đảm bảo trách nhiệm giải trình. Bà nhấn mạnh: "Nếu chúng ta muốn buộc ngành công nghệ chịu trách nhiệm, chúng ta cần sự minh bạch cao hơn. Những quyền hạn này cho phép chúng tôi nhìn sâu vào cách các nền tảng xử lý hoặc không xử lý những mối nguy hại nghiêm trọng trên mạng ảnh hưởng đến người dân Úc".
Bà Grant cũng chỉ trích sự chậm trễ của Telegram trong việc cung cấp thông tin theo yêu cầu, đồng thời khẳng định điều này đã làm suy yếu khả năng thực thi nhiệm vụ của eSafety theo Đạo luật An toàn trực tuyến trong suốt gần nửa năm.
Telegram bị cáo buộc là nền tảng phát tán nội dung cực đoan
Năm ngoái, một tuyên bố chung từ các cơ quan an ninh thuộc nhóm Five Eyes, bao gồm Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) và Cảnh sát Liên bang Úc, đã chỉ ra rằng Telegram là một trong những nền tảng được sử dụng để lan truyền video tuyên truyền cực đoan tới thanh thiếu niên.
"Các nghiên cứu chỉ ra rằng những nội dung này có thể làm cho người xem trở nên thờ ơ, coi bạo lực là chuyện bình thường và trong một số trường hợp dẫn đến sự cực đoan hóa, đặc biệt đối với thanh niên tiếp xúc với các nội dung có hại mà họ không thể xóa khỏi trí nhớ", bà Grant cho biết.
Trước quyết định xử phạt, Telegram có 28 ngày để yêu cầu hủy bỏ lệnh phạt, thanh toán hoặc đề nghị gia hạn thời gian nộp phạt. Nếu không tuân thủ, eSafety có thể áp dụng các biện pháp pháp lý khác, bao gồm tìm kiếm chế tài dân sự tại tòa án liên bang.
Người phát ngôn của Telegram gọi mức phạt này là "không công bằng và không tương xứng", đồng thời tuyên bố công ty sẽ kháng cáo.
Trong khi đó, Telegram đang đối mặt với áp lực gia tăng từ các cơ quan quản lý trên toàn cầu. Đáng chú ý, CEO của Telegram, ông Pavel Durov đã bị bắt tại Pháp vào tháng 8/2024 với cáo buộc không kiểm soát nội dung cực đoan và khủng bố trên nền tảng.
Ông Durov hiện được tại ngoại nhưng bị cấm rời khỏi Pháp cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử. Phiên tòa có thể kéo dài đến một năm trước khi có phán quyết cuối cùng.
Sau vụ bắt giữ CEO, Telegram đã công bố các báo cáo minh bạch về việc hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật. Báo cáo năm 2024 cho thấy, nền tảng này đã đáp ứng 14 yêu cầu từ chính quyền Úc về thông tin liên quan đến địa chỉ IP và số điện thoại của người dùng, ảnh hưởng đến 23 tài khoản.
Siết giám sát các nền tảng mạng xã hội
Không chỉ Telegram, nhiều nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng đã bị xử phạt tại các quốc gia khác, như Brazil, Mạng xã hội X (trước đây là Twitter) bị phạt 1,4 triệu USD vào tháng 2/2025 vì không tuân thủ lệnh của Tòa án Tối cao.
Tại Hàn Quốc, Google và Apple bị phạt tổng cộng 68 tỷ Won (50,42 triệu USD) vào tháng 10/2023 do vi phạm luật thanh toán trong ứng dụng.
Tại Úc, eSafety đã phạt nền tảng mạng xã hội X hơn 610.000 USD do không phản hồi đầy đủ các yêu cầu giám sát và đang đưa nền tảng này ra tòa.
Việc Telegram bị xử phạt là một phần trong xu hướng chung nhằm tăng cường kiểm soát nội dung trên các nền tảng trực tuyến. Các chính phủ và cơ quan quản lý trên toàn cầu đang siết chặt quy định, yêu cầu các công ty công nghệ chịu trách nhiệm trong việc ngăn chặn nội dung độc hại, bao gồm khủng bố, bạo lực cực đoan và lạm dụng trẻ em.
Khi ngày càng có nhiều nền tảng bị giám sát chặt chẽ, cuộc đối đầu giữa các công ty công nghệ và cơ quan quản lý dự kiến sẽ tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới, đặc biệt khi các chính phủ đẩy mạnh các biện pháp nhằm bảo vệ người dùng trước những nội dung nguy hại trên mạng.
Tại Hàn Quốc, Google và Apple bị phạt tổng cộng 68 tỷ Won (50,42 triệu USD) vào tháng 10/2023 do vi phạm luật thanh toán trong ứng dụng. Tại Úc, eSafety đã phạt nền tảng mạng xã hội X hơn 610.000 USD do không phản hồi đầy đủ các yêu cầu giám sát và đang đưa nền tảng này ra tòa. |
Đường dẫn bài viết: https://congthuong.vn/an-phat-cua-uc-voi-telegram-canh-bao-cho-cac-nen-tang-375433.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.