Anh xây dựng hàng loạt nhà máy điện khí mới
Chính phủ Anh bật đèn xanh cho việc xây dựng các nhà máy điện khí mới trên khắp đất nước nhằm thay thế cho các nhà máy cũ kỹ. Tuy nhiên, số lượng nhà máy và thời gian đưa vào hoạt động cụ thể chưa được tiết lộ.
Thủ tướng Sunak cho rằng, nếu không có điện sản xuất từ khí đốt, Vương quốc Anh có nguy cơ bị chịu cảnh mất điện diện rộng, trừ khi họ muốn phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài.
Chính phủ Anh bật đèn xanh cho việc xây dựng các nhà máy điện khí mới trên khắp đất nước nhằm thay thế cho các nhà máy cũ kỹ |
“Cuộc chiến ở Ukraine cho thấy thị trường năng lượng có thể trở thành một vũ khí kinh tế nguy hiểm như thế nào”, ông Sunak nói.
Theo giới chuyên gia, quyết định này dường như đi ngược lại với các mục tiêu môi trường của Anh, vốn đã cam kết về mặt pháp lý sẽ đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050.
Tuy nhiên, theo bà Claire Coutinho, Bộ trưởng Bộ An ninh Năng lượng, đây là một biện pháp dự phòng cho những ngày thời tiết không thuận lợi cho việc sản xuất điện từ tuabin gió hoặc pin năng lượng mặt trời, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu năng lượng ngày càng tăng.
Ngoài ra, bà Coutinho cũng cam kết rằng các nhà máy điện sẽ được trang bị công nghệ thu giữ khí carbon, một thiết bị gây tranh cãi về hiệu quả so với chi phí.
IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu trên thế giới sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, cao hơn 110.000 thùng/ngày so với mức dự báo trong báo cáo thị trường tháng trước.
“Nhu cầu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng nhiều hơn dự kiến do triển vọng kinh tế Mỹ tươi sáng hơn và nhu cầu nhiên liệu tăng do các tàu chở hàng phải đi đường vòng tránh qua Biển Đỏ”, IEA cho biết.
Theo IEA, các tàu thương mại đang phải thực hiện những hành trình dài hơn và tốn kém hơn quanh mũi phía nam châu Phi để tránh các cuộc tấn công tại Biển Đỏ của Houthi.
IEA nhận định tình trạng gián đoạn các tuyến vận tải thương mại quốc tế do khủng hoảng ở Biển Đỏ đang làm tăng quãng đường vận chuyển cũng như tốc độ di chuyển của tàu, khiến nhu cầu nhiên liệu tăng.
“Việc nền kinh tế Mỹ khởi sắc hơn cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu toàn cầu. Tiêu thụ dầu tại Mỹ đang trên đà đi lên nhờ gia tăng các hoạt động hóa dầu”, IEA chỉ ra.
Tuy nhiên, IEA cho hay, tăng trưởng nhu cầu hằng năm vẫn thấp hơn nhiều so với mức 2,3 triệu thùng/ngày năm 2023.
Trước đó, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới sụt giảm trong năm 2024 xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày.
Theo giải thích của IEA, những khó khăn chung về kinh tế, cùng với các chính sách chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo mà nhiều nước đang thúc đẩy là hai trong số những lý do chính dẫn đến sự sụt giảm về nhu cầu.