An ninh lương thực và thời cơ của ngành gạo: Kỳ 1 - Bấp bênh an ninh lương thực toàn cầu Các nước cấm xuất khẩu gạo; doanh nghiệp Việt được khuyến nghị hạn chế bán, tăng mua dự trữ |
Thu mua lúa gạo trong nước gặp khó
Kể từ thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, tiếp sau đó là các quốc khác như Nga, UAE thì giá gạo trong nước và xuất khẩu cũng theo đó tăng lên từng ngày. Theo đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, lúa tươi IR 50404 và OM 5451 vụ Hè thu 2023 được nông dân bán với giá 6.700-6.900 đồng/kg; lúa tươi OM 4900, OM 18, Nàng Hoa 9 và Ðài Thơm 8 cũng tăng lên 6.900-7.200 đồng/kg. Mức giá này đang cao hơn từ 1.000-1.400 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù giá lúa tăng cao song hiện nay các thương lái, hàng xáo đang “đau đầu” lùng sục khắp nơi để mua lúa nhưng không số lượng từ nguồn lúa dự trữ trong dân. Nhiều thương lái đổ dồn sang bỏ cọc “lúa đứng”. Tùy theo các loại giống đang canh tác mà bà con nhận được tiền đặt cọc mua lúa với giá từ 6.500 - 7.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều thương lái chậm chân còn không tìm được ruộng để bỏ cọc thu mua lúa vì nông dân đã sớm nhận cọc từ hơn 1 tháng trước.
Không chỉ thương lái, các doanh nghiệp hiện cũng rất khó thu mua lúa. Bà Dương Thanh Thảo - Giám đốc Công ty CP gạo Ông Thọ - cho biết, hiện đang rất khó thu mua lúa. "Không phải do lúa trong dân không còn vì thực tế lúa trên đồng vẫn đang rất nhiều. Nhưng hiện lúa đứng trên đồng đã được "cò" đặt mua hết, trong khi doanh nghiệp phải gom hàng để trả đơn đã ký với giá thấp trước đó. Một số khác không có đơn nhưng cũng không muốn bán ra do giá mỗi ngày lên 2 -3 đợt", bà Thảo nêu một thực tế.
Cũng theo bà Thảo, hiện tại do tập quán kinh doanh của ngành lúa gạo Việt Nam là nhà máy chủ yếu mua lúa qua "cò", thương lái; còn nông dân cũng bán lúa qua "cò", thương lái. Trong khi đó chưa có công cụ quản lý "cò" hay thương lái nên khó có công cụ nào điều hành ổn định thị trường mà chủ yếu do thị trường tự điều tiết.
Kém vui vì lo “bong bóng” giá gạo
Không chỉ khó thu mua, các doanh nghiệp xuất khẩu còn bày tỏ tâm lý lo lắng bởi không muốn ký kết hợp đồng xuất khẩu mới cũng như không muốn chào bán trong thời điểm hiện tại. Nói về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP. Cần Thơ)- kể: Hiện lúa trong nước đang được bán với giá bình quân 7.000 đồng/kg. Với giá này nếu đem xuất khẩu phải trên 600 USD/tấn doanh nghiệp mới có lãi (giá xuất khẩu của Việt Nam thời điểm hiện tại dưới 600 USD). Tuy nhiên có một nghịch lý là khi giá xuất khẩu tăng thì giá lúa ở nội địa sẽ tăng tương ứng, thậm chí còn tăng cao hơn khiến doanh nghiệp không mặn mà trong ký kết hợp đồng mới.
“Chúng tôi vẫn đang giao các đơn hàng cho những hợp đồng đã ký từ hơn 1 tháng trước. Kể từ thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tới nay chúng tôi không ký thêm bất kỳ hợp đồng mới nào bởi dù giá gạo theo chiều hướng có lợi song thực chất doanh nghiệp nếu ký kết lại rất rủi ro”- ông Bình chia sẻ.
Giá gạo trong nước nóng theo giá xuất khẩu |
Cũng như Trung An, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice nói rằng, hiện giá chào cho hợp đồng giao tháng 9-10/2023 của doanh nghiệp này với gạo trắng là 570 USD/tấn, gạo Jasmine là 680 USD/tấn và với giống gạo Nhật là 750 USD/tấn, tăng 60-70 USD/tấn so với thời điểm trước.
Theo ông Có, thông thường doanh nghiệp ký hợp đồng với người dân trước 1-2 tháng, sau đó mới thu mua và xuất khẩu. Thường những hợp đồng này là hợp đồng đặt cọc, ký cơ bản, trong điều khoản có nội dung vẫn điều chỉnh theo giá thị trường.
“Thường chúng tôi chỉ ký hợp đồng 50-60% chứ không ký hợp đồng 100% từ trước nên từ khi Ấn độ, Nga, UAE cấm xuất khẩu làm gạo trong nước tăng cao thì doanh nghiệp thu mua lại bị lỗ. Bởi những hợp đồng xuất khẩu đã ký thì giờ phải bắt buộc giao hàng, mà trên thị trường xuất khẩu cứ tăng khoảng 15 USD/ tấn thì nước lại tăng gấp đôi - tức là khoảng 30 USD/tấn”, ông Phan Văn Có cho hay.
Xuất phát từ đó giải pháp của Vrice thời điểm này là duy trì xuất khẩu đảm bảo cho những hợp đồng đã ký, còn khách hàng có nhu cầu mới thì phải đàm phán lại giá.
Thừa nhận thực trạng này, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng giá lúa gạo Việt Nam tăng nóng thời gian gần đây xuất phát từ nguyên nhân các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để trả các hợp đồng xuất khẩu đã ký. Hiện tại, giá gạo nội địa đang cao hơn giá xuất khẩu - là điều bất hợp lý nên sẽ sớm dừng lại khi các doanh nghiệp mua đủ hàng. "Với giá gạo cao như hiện nay, doanh nghiệp chưa có đơn hàng cũng không dám thu mua vì sợ Ấn Độ quay lại thị trường, giá sẽ "sập". Với các số liệu hiện có, Ấn Độ vẫn thừa gạo cần phải xuất khẩu, họ chỉ cấm xuất khẩu để hạ nhiệt giá nội địa. Giá gạo tăng quá mức không có lợi vì chỉ khoảng 1/3 dành cho xuất khẩu, 2/3 tiêu thụ nội địa" - ông Nam phân tích.
Đồng quan điểm này, ông Phan Văn Có bổ sung thêm: Ấn Độ chỉ cấm xuất khẩu với các hợp đồng thương mại còn hợp đồng theo ký kết liên Chính phủ vẫn thực hiện bình thường. Do đó, khả năng đến cuối tháng 8/2023 giá gạo mới ổn định.
Trước bối cảnh tình hình xuất khẩu gạo phức tạp, Bộ Công Thương đã có Công văn số 5024/BCT-XNK ngày 31/7/2023 gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam; Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiệm quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo. Công văn đề nghị Hiệp hội và Thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo triển khai một số nội dung như: Thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo; thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước. Báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐCP nêu trên. Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu; trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế… |
Kỳ 3: Cần chiến lược dài hơi