Tham tán Việt Nam tại Ảrập Xêút tham gia Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Nghệ An Hiệp hội, ngành hàng kiến nghị gì với Tham tán nông nghiệp? |
Tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại cho hàng hoá cũng như đưa hình ảnh, thương hiệu Việt tới bạn bè quốc tế là phương châm hoạt động mà các “sứ giả kinh tế” - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, trong đó có châu Âu triển khai thời gian qua.
Mỗi Thương vụ một cách làm khác nhau, song đều nhằm mục tiêu “bắc cầu” cho hàng Việt vươn xa.
Xây “cầu” cho hàng Việt vào Thụy Điển
Những ngày tháng 7 nắng vàng rực rỡ, ở cách Việt Nam nửa vòng trái đất, các Thương vụ Việt Nam tại thị trường châu Âu háo hức hướng về Hội nghị Tham tán Việt Nam tại châu Âu năm 2024. Trong căn phòng ấm áp của Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thụy Điển, kiêm nhiệm Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Trưởng cơ quan Thương vụ - tất bật với hàng loạt việc không tên để chuẩn bị cho “ngày hội lớn” – nơi các Tham tán thương mại tề tựu, sẻ chia những câu chuyện không thể nào quên về hành trình “bắc cầu” cho hàng Việt Nam sang thị trường sở tại.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý (thứ hai từ trái sang) giới thiệu gạo Việt Nam cho Nguyên Quốc Vụ khanh Thụy Điển Robert Rydberg Ảnh: Thương vụ cung cấp |
Bà Thuý kể, đối với mỗi người làm công tác xúc tiến thương mại, những sản phẩm Việt thân thương như hạt gạo, sợi mỳ… đều mang trong mình những câu chuyện riêng trên hành trình chinh phục trời Âu. Đó là thời điểm cuối năm 2019, khi bà bắt đầu nhận nhiệm vụ tại một thị trường xa Việt Nam đến nửa vòng trái đất, khi đó, gạo Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trên thị trường Thụy Điển. Trong khi đó, ăm ắp tại các siêu thị là gạo của Thái Lan, Campuchia. Là một người đã gắn bó nhiều năm với công tác Thương vụ, bà Thúy luôn tự hỏi: Tại sao hạt gạo Việt Nam ngon như thế, xuất khẩu nhiều như vậy lại hoàn toàn vắng bóng ở Thụy Điển? Mình có thể làm gì để đưa hạt gạo Việ sang thị trường này không?
“Với một sản phẩm chưa từng có trên thị trường, để xúc tiến vào hệ thống phân phối nước sở tại không hề dễ. Chưa kể, dù chịu trách nhiệm với một khu vực thị trường có nhiều nước, nhưng Thương vụ Việt Nam tại Bắc Âu chỉ có 2 nhân sự. Vậy thì làm sao có thể làm được các sự kiện xúc tiến rầm rộ?” - bà Thúy chia sẻ. Nhưng khó mấy cũng phải tìm cách! Bà Thuý đã thường xuyên theo dõi thị trường để nắm bắt các cơ hội cho hàng Việt Nam và nhận thấy, trước đây, các doanh nghiệp quen nhập khẩu gạo từ Campuchia do giá cạnh tranh vì thuế nhập khẩu là 0%. Tuy nhiên, giai đoạn 2019-2021, gạo Campuchia vào Thụy Điển bị áp thuế tự vệ và giá gạo không còn cạnh tranh nữa.
Nhận thấy đây chính là “cơ hội vàng” cho hạt gạo Việt, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đã tăng cường vận động “Người Việt Nam ưu tiên kinh doanh hàng Việt Nam”. Thương vụ cũng tích cực giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam và khuyến khích, hỗ trợ các đầu mối nhập khẩu hàng Á châu là người Việt nhập khẩu thử.
Từ chỗ không có mặt tại Thụy Điển, sau đó, gạo Việt Nam đã đầy ăm ắp tại các kho hàng của doanh nhân Việt kiều tại đây. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh bao gạo “Made in Vietnam” trên kệ siêu thị, bà Thuý không khỏi xúc động.
“Nhưng bất ngờ nhất là trong một lần đi xúc tiến thương mại, một chủ doanh nghiệp Thụy Điển đã tặng tôi một bao gạo và nói: “Cô nhất định phải cầm về ăn thử. Gạo Việt Nam ngon lắm!”. Lúc đó tôi rất cảm động vì mình quảng bá bao nhiêu cũng không bằng các doanh nghiệp tự cảm nhận và sẵn sàng nhập khẩu hàng Việt Nam” - bà Thuý xúc động chia sẻ.
Với sự vào cuộc của doanh nghiệp, chỉ sau 3 năm, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường này đã tăng từ vài chục ngàn lên 3-4 triệu USD. Tuy kim ngạch chưa nhiều, nhưng sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp đã giúp gạo Việt ghi danh thành công tại Bắc Âu.
Đặc biệt, Thương vụ đã góp phần giúp hạt gạo Việt đặt những “viên gạch” vững chãi đầu tiên để “giữ chỗ” trước khi gạo Campuchia chính thức quay lại thị trường sau “sự cố”.
Đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Điển Trần Văn Tuấn (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn công tác thăm kho gạo của A Chau Lien AB |
Một câu chuyện xúc tiến thương mại đáng nhớ khác là câu chuyện trái dừa. Trước đây, trái dừa Việt Nam không được biết đến tại thị trường Thuỵ Điển, thay đó là các sản phẩm dừa Thái Lan. Tuy nhiên, đến năm 2020, dừa Thái Lan bị khủng hoảng truyền thông do dùng khỉ hái dừa.
Nhận biết đây là cơ hội hiếm có để các sản phẩm dừa Việt Nam tìm được chỗ đứng, Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển đã tích cực giới thiệu để các doanh nghiệp thay thế sản phẩm dừa Thái Lan bằng sản phẩm của Việt Nam. Chon đúng "điểm rơi" phù hợp, đến nay, nhiều sản phẩm dừa Việt Nam như nước cốt dừa, nước dừa tươi... đã vào được thị trường Thuỵ Điển.
"Vậy mới thấy, thông tin thị trường thực sự là yếu tố cốt lõi để sản phẩm Việt Nam xuất khẩu được vào thị trường nước sở tại. Cung cấp kịp thời các thay đổi thông tin của thị trường cũng chính là nhiệm vụ chính mà chúng tôi luôn nỗ lực làm tốt" - bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý bộc bạch.
Song song với việc xúc tiến thương mại các sản phẩm vào thị trường, các “sứ giả kinh tế” còn nỗ lực làm “cầu nối” cho các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam dự các sự kiện lớn để tìm kiếm nguồn hàng. Trong đó có sự kiện Hội chợ Quốc tế nguồn hàng (Vietnam International Sourcing Expo) được Bộ Công Thương liên tục tổ chức trong 2 năm 2023 và 2024.
Câu chuyện kết nối doanh nghiệp tham gia sự kiện này cũng có nhiều điều đáng nhớ. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thuý kể, FH là tập đoàn lớn chuyên kinh doanh các sản phẩm cho phòng ăn và nhà bếp. Thời điểm Thương vụ quảng bá Hội chợ Quốc tế nguồn hàng năm 2023 đúng lúc họ đang muốn thay thế sản phẩm Trung Quốc bằng sản phẩm của các nước khác, nhưng họ lại chưa về Việt Nam bao giờ nên khá lo lắng.
“Họ lo lắng từ việc đi taxi, đổi tiền, ăn uống đến việc làm sao kết nối các doanh nghiệp, do nhiều doanh nghiệp họ tìm được trên mạng, khi liên hệ thì không trả lời. Để doanh nghiệp yên tâm, Thương vụ cam kết là ngoài việc tham dự hội chợ sẽ sẵn sàng hỗ trợ sắp xếp chương trình cho toàn bộ chuyến đi của tập đoàn này” - bà Thuý chia sẻ.
Trong suốt nửa tháng tham gia hội chợ, bên cạnh việc đưa doanh nghiệp tham gia kết nối giao thương, bà Thuý đóng vai trò như “tour guide” để lo cho doanh nghiệp, từ việc ăn uống, đi lại, đến sắp xếp chương trình, phiên dịch khi làm việc… Rồi “quả ngọt” cũng đến khi FH đã tìm được rất nhiều mặt hàng mới tại Việt Nam.
Đến năm 2024, FH đã trở lại tham dự Hội chợ nguồn hàng, nhưng lần này, họ đã trở thành “thổ địa”, thông thạo Việt Nam đến mức chỉ cần Thương vụ hỗ trợ sắp xếp một số cuộc gặp, còn lại sẽ tự đi, tìm kiếm doanh nghiệp, thậm chí giới thiệu Việt Nam cho nhiều doanh nghiệp khác cùng tham gia đoàn xúc tiến.
Người Việt Nam ở đâu cũng yêu quý hàng Việt
Hai năm làm công tác Thương vụ tại thị trường Áo, bà Đinh Thị Hoàng Yến - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Áo - cũng đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ khi làm công tác xúc tiến thương mại. Trong đó, câu chuyện đáng nhớ nhất là khi xúc tiến thương mại sản phẩm thảo dược vào thị trường này.
Thứ trưởng Bọ Công Thương Phan Thị Thắng (đứng giữa), bà Đinh Đinh Thị Hoàng Yến - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Áo (áo trắng) cùng đoàn doanh nghiệp Áo dự Vietnam International Sourcing 2024 |
Theo đó, Công ty Sống trẻ mãi (LFY) là một công ty gia đình Áo, hoạt động trong lĩnh vực dược, họ kết hợp với một nhóm các nhà khoa học trẻ Việt Nam nghiên cứu chế biến các sản phẩm thuốc cổ truyền của Việt Nam và phát triển công nghệ sản xuất dựa trên nguyên liệu sẵn có và quen thuộc với Việt Nam như tỏi, gừng, nghệ, chanh, bưởi, gấc… tốt cho sức khoẻ và bảo vệ môi trường. Ở một nơi cách xa Việt Nam hàng chục ngàn cây số, thoáng thấy hương vị thảo mộc quê nhà trong một sản phẩm thấm đẫm giá trị Việt Nam, bà Đinh Thị Hoàng Yến đã quyết tâm hỗ trợ cho sản phẩm được xuất khẩu vào EU.
Để chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường của doanh nghiệp Áo, Thương vụ đã mời LFY tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Áo tổ chức vào tháng 1/2024 và hỗ trợ LFY tìm hiểu các quy định nhập khẩu các sản phẩm vào EU. Đến nay, LFY đã cómặt tại thị trường Việt Nam, Áo, Thái Lan, Hoa Kỳ và trong tương lai gần sẽ đăng ký hơn chục sản phẩm để lưu hành tại Áo. “LFY mong muốn mở rộng hợp tác đầu tư tại Việt Nam, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để sản xuất và xuất khẩu vào Áo và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức hỗ trợ các bạn trong hoạt động này”, bà Yến cho hay.
Cùng với thảo dược, Áo là nước có công nghiệp bia lâu đời và tỷ lệ tiêu thụ bia bình quân đầu người lớn thứ 3 thế giới với 96,8 lít/năm. Với tinh thần yêu nước, cùng với việc nhận thấy đây là cơ hội cho bia Việt Nam thâm nhập thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Áo đã phối hợp với Habeco hỗ trợ Công ty Brothers nhập khẩu 1.100 chai bia Habeco để quảng bá và tài trợ cho các sự kiện cộng đồng người Việt Nam và Sứ quán Việt Nam tại Áo như sự kiện "Ẩm thực đường phố và Văn hóa châu Á - Áo" diễn ra giữa tháng 5/2024 tại thủ đô Vienna.
Để hỗ trợ công ty tìm kiếm nhà cung cấp ở Việt Nam, Thương vụ đã trực tiếp dẫn ông Lý Vi Quang - Chủ sở hữu Broth3rs về Việt Nam tham dự Vietnam International Sourcing 2024. Chuyến đi không hoàn toàn suôn sẻ khi bị trục trặc ngay từ sân bay Áo, sân bay Thổ Nhĩ Kỳ, rồi bị huỷ chuyến. Tuy nhiên, ông Lý Vi Quang vẫn quyết tâm bắt chuyến bay hôm sau về Việt Nam tham dự chương trình và là người ở lại phiên B2B cuối cùng để làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam. Lòng yêu nước và ý thức kinh doanh nghiêm túc của chủ doanh nghiệp có lẽ là chìa khoá cho sự thành công của Broth3rs và sẽ là “chìa khoá” để giúp ông tiếp tục đưa các sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối của Áo dưới sự hỗ trợ tích cực của Thương vụ.
Mỗi một sản phẩm Việt xuất khẩu vào thị trường không hề đơn giản, đằng sau đó là mồ hôi, công sức của doanh nghiệp, các cơ quan hữu quan và “đại sứ kinh tế” đến từ các Thương vụ. Là cánh tay nối dài của Bộ Công Thương ở thị trường châu Âu, các Thương vụ và chi nhánh Thương vụ sẽ luôn là nhà, là địa chỉ thân thiết, tin cậy, là nơi kết nối cơ hội hợp tác của các địa phương, doanh nghiệp và người dân Việt Nam ở nước ngoài, đưa thương hiệu, hàng hoá Việt Nam rạng danh trên thị trường thế giới.