Ngày 6/4, Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho biết 7 trong số 9 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện vì bị ngộ độc do ăn cá muối ủ chua đã được cho xuất viện.
2 bệnh nhân còn lại đang được theo dõi, đây là trường hợp bị nặng, trước đó phải thở máy. Hiện sức khỏe 2 bệnh nhân này tiến triển, ăn uống bình thường và dự kiến sẽ được xuất viện trong 5-7 ngày tới. Vị lãnh đạo bệnh viện cho biết thêm, 2 bệnh nhân này cũng thường bị biến chứng rối loạn nhịp thở, nếu cho về mà bị loạn nhịp, ngưng tim rất nguy hiểm nên được tiếp tục theo dõi.
Bệnh nhân trong vụ ngộ độc do ăn cá muối ủ chua |
Liên quan đến chùm ca bệnh, cùng ngày, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh thực phẩm quốc gia, Bộ Y tế đã có văn bản trả lời về kết quả kiểm nghiệm mẫu liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh này.
Viện đã nhận 22 mẫu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Nam cung cấp bao gồm: 4 mẫu cá ủ chua, 6 mẫu thịt gà đông lạnh; 1 mẫu giá; 1 mẫu nước nguồn tự chảy; 9 mẫu máu của các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại bệnh viện; 1 mẫu chất nôn của bệnh nhân.
Kết quả các mẫu cho thấy, mẫu giá, mẫu nước không phát hiện Clostridium Botulinum. Mẫu cá ủ chua của một gia đình và chất nôn của bệnh nhân dương tính với Clostridium Botulinum.
Trong các mẫu thịt gà đông lạnh, một mẫu dương tính với vi khuẩn Salmonella spp, Escherichia coli.
Như báo Công Thương đưa tin, trước đó từ ngày 7-17/3, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam tiếp nhận 3 chùm ca bệnh, tổng số 10 người bị ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua ở huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam); trong đó có 01 trường hợp tử vong.
Để kịp thời cứu chữa những bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum nặng, bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức mang 5 lọ thuốc giải độc Botulinum (hiện thuốc này rất hiếm) lên đường ra Bệnh viện Đa khoa Khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam.
3 bệnh nhân nặng nhất được chỉ định dùng thuốc và qua cơn nguy kịch, 6 trường hợp khác nhẹ hơn không cần dùng thuốc giải độc.