Siêu thị, sàn thương mại điện tử vào cuộc thu mua cam sành cho nông dân Vĩnh Long Hiệp hội Thương mại điện tử hiến kế đưa nông sản miền núi, dân tộc lên sàn thương mại điện tử |
Ngày 21/3, Văn phòng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Lazada Việt Nam tổ chức sự kiện công bố Báo cáo ngành Thương mại điện tử năm 2023 với chủ đề: “Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số”.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI đánh giá cao nỗ lực và vai trò tiên phong của Lazada Việt Nam trong việc chủ động phân tích tổng quan sự phát triển của ngành thương mại điện tử, từ đó góp phần thúc đẩy làn sóng Chuyển đổi số quốc gia theo chủ trương của Chính phủ. |
Phân tích 4 khía cạnh chính của thương mại điện tử Việt Nam
Báo cáo đưa ra những nhận định chuyên môn về ngành, phân tích rõ 4 khía cạnh chính của thương mại điện tử phát triển bền vững gồm: Phát triển kinh doanh bền vững; Phát triển cơ sở hạ tầng bền vững; Phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao; Phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Trong đó, về phát triển kinh doanh bền vững, báo cáo chỉ ra các yếu tố tạo nên kinh doanh bền vững của thương mại điện tử. Cụ thể, việc xây dựng mô hình kinh doanh bền vững trên cả 3 phương diện môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trở thành một phần tất yếu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định được tầm nhìn và định hướng chiến lược phát triển trong thời kì kỹ thuật số. Đồng thời, phát triển kinh doanh bền vững cũng đòi hỏi các doanh nghiệp cần tiếp tục gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững trên thương mại điện tử thông qua ứng dụng công nghệ để thấu hiểu sâu sắc người tiêu dùng trên nền tảng; quản lý tài chính bền vững để quản lý, tối ưu hoá, bảo vệ tài sản, thu nhập, chi phí và nguồn lực tài chính của doanh nghiệp…
Về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, báo cáo mang đến cái nhìn tổng quát về thực trạng đầu tư hạ tầng công nghệ thương mại điện tử tại Việt Nam, cho thấy đầu tư về công nghệ thông tin và thương mại điện tử hiện nay được các doanh nghiệp chú trọng Điển hình là các hạng mục đầu tư vào hệ thống phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu; các công nghệ tự động hoá, đám mây, trí tuệ nhân tạo và kết nối cơ sở hạ tầng tối ưu hoá mọi quy trinh quản trị, vận hành và gia tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng.
Đối với phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, báo cáo cho biết, mấu chốt của ngành thương mại điện tử Việt Nam là sự chênh lệch và thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng của nhân lực số so với nhu cầu từ thị trường. Để đáp ứng được tính cấp thiết trong việc đào tạo nhân lực, việc xây dựng mô hình quản lý và phát triển nguồn nhân lực bền vững đảm bảo ba yếu tố: đa dạng, công bằng và hoà nhập, đối với các doanh nghiệp thương mại điện tử là vô cùng quan trọng. Chứng minh cho hiệu quả của mô hình này, Lazada là một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhân sự khá đáng kể, đạt mức tăng trưởng 18% vào năm 2022. Lazada đồng thời tiếp tục duy trì mô hình này, kết hợp với việc tăng cường đầu tư phát triển nguồn lực nhân sự thông qua các chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ, thương mại điện tử, kỹ năng lãnh đạo, hợp tác, sáng tạo trong giải quyết vấn đề.
Riêng phát triển và ứng dụng công nghệ nâng cao trải nghiệm khách hàng, tỷ lệ người sử dụng thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đạt 52 triệu người vào năm 2022, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, những đặc điểm nổi trội của thế hệ người tiêu dùng mới - thế hệ Z - được thể hiện rõ nét cũng dẫn đến những thay đổi trong hành trình mua sắm. Muốn đạt được hiệu quả nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, việc ứng dụng công nghệ là điều không thể bỏ qua. Các công nghệ hiện nay được đánh giá là hiệu quả cho trải nghiệm người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử bao gồm: shoppertainment, cá nhân hoá và công nghệ thực tế ảo.
6 xu hướng phát triển bền vững của thương mại điện tử trong tương lai
Từ việc phân tích và đánh giá sâu sắc các khía cạnh của thương mại điện tử phát triển bền vững, báo cáo nhận định thương mại điện tử Việt Nam đang bước sang giai đoạn phát triển mới, tập trung cho phát triển bền vững dựa trên sự kết hợp giữa thị trường và công nghệ thông qua việc đầu tư có chọn lọc và tối ưu chi phí để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững trước những diễn biến phức tạp của nền kinh tế. Trong đó, với vai trò là cầu nối doanh nghiệp, người tiêu dùng với thương mại điện tử bền vững, Lazada Việt Nam và VCCI đã đưa ra dự báo 6 xu hướng phát triển bền vững của ngành thương mại điện tử.
Thứ nhất, về đầu tư, thương mại điện tử bền vững sẽ tiếp tục hướng đến các đầu tư dài hạn về cơ sở hạ tầng, công nghệ, logistics, con người…
Thứ hai, về kinh doanh, thương mại điện tử bền vững tạo ra nhiều giá trị hơn cho các bên liên quan thông qua việc xây dựng cộng đồng với các giá trị được cộng hưởng từ đối tác (thanh toán, vận hành, logistics…), doanh nghiệp (nhà bán hàng và thương hiệu) và người tiêu dùng.
Thứ ba, về công nghệ sẽ ưu tiên đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ độ mở của sàn, sử dụng API (Application Programming Interface - Giao diện lập trình ứng dụng) ở mọi điểm tiếp xúc của thương mại điện tử với đối tác, kết nối và tận dụng triệt để nhiều dịch vụ của đối tác trên nền tảng thương mại điện tử.
Thứ tư, về trải nghiệm khách hàng sẽ kết nối các hành vi mua sắm riêng lẻ của người tiêu dùng, hướng đến xu hướng mua sắm toàn diện và lâu dài từ giai đoạn tìm kiếm, lựa chọn, mua hàng, thanh toán, đổi trả.
Thứ năm, về thanh toán, sẽ ngày càng mở rộng kết nối với đa dạng đối tác tài chính và chuyển hướng “buy now, pay later” (Mua trước, trả sau), đáp ứng nhu cầu chi trả của người tiêu dùng và giúp cho việc mua sắm trên thương mại điện tử trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn
Thứ sáu, về xã hội, thương mại điện tử bền vững trở thành cầu nối thúc đẩy phổ cập hiểu biết về thương mại điện tử đến với doanh nghiệp và người tiêu dùng toàn quốc, góp phần thực hiện chủ trương phổ cập thương mại điện tử đến các địa phương.