Ngày 23/12, Sở Công Thương Bình Định phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) và Sở Công Thương các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh và Sóc Trăng tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành Bình Định - Hà Nội - Vĩnh Long - Hậu Giang - Tây Ninh - Sóc Trăng năm 2021”.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) giới thiệu về xu hướng giao dịch trên sàn thương mại điện tử |
Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định - cho biết, Bình Định nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Nam Trung bộ, hàng năm, mức luân chuyển hàng hóa hơn 12%. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh phức tạp thời gian qua, nên đã ảnh hưởng nhiều đến việc luân chuyển hàng hóa. Do vậy, việc tổ chức hội nghị này nhằm giúp tỉnh đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa với thị trường lớn là Hà Nội, qua đó tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa, nông sản tại thị trường Thủ đô.
Từ điểm cầu Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội đã giới thiệu tổng thể về nhu cầu của thị trường Hà Nội; định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Hà Nội. Hiện Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hoá lớn với mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước, có khả năng tập trung, phát luồng hàng hóa tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu. Trong dịp lễ Tết Nhâm Dần sắp tới, nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân sẽ trở nên sôi động hơn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, nhu cầu tiêu thụ về thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, chất lượng ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân thành phố ngày càng khắt khe, yêu cầu cao hơn.
Đánh giá cao sự phối hợp tại các địa phương trong việc tổ chức kết nối Hội nghị kết nối cung cầu hàng hoá tại Hà Nội với các tỉnh, thành phố, bà Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ: Để có thể làm tốt việc phân phối hàng hóa tại các thị trường, các thương hiệu cần thay đổi cách nghĩ và cách làm, tìm hiểu kỹ các xu hướng tiêu dùng, thủ tục chất lượng, mẫu mã trước khi đưa vào các hệ thống phân phối. Nên ưu tiên các sản phẩm có thương hiệu ở địa phương, sẵn sàng chấp nhận mức giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, đây là cơ hội để các nhà cung cấp, các sản phẩm OCOP đặc sản vùng miền có thể đẩy mạnh quảng bá xúc tiến tại Hà Nội và các thị trường khác.
“Doanh nghiệp cần thay đổi nhanh và kỹ lưỡng về việc chuẩn bị sản phẩm như phương thức đóng gói, cách thức phân phối, chất lượng, tiếp thị,… việc kết nối giữa các đơn vị xúc tiến là quan trọng nhưng doanh nghiệp vẫn là điều tiên quyết để việc xúc tiến thành công”- bà Nguyễn Thị Mai Anh lưu ý.
Một số sản phẩm, hàng hóa được trưng bày tai hội nghị |
Trên thực tế, đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu trong đó có Việt Nam. Phương thức mua sắm trực tuyến đã trở thành kênh phân phối hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thời gian qua. Theo “Sách trắng Thương mại điện tử” Việt Nam năm 2021 (ấn phẩm của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương), tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến đã tăng từ 77% trong năm 2019 lên 88% trong năm 2020. Dịch Covid-19 cùng những yêu cầu về giãn cách, phong tỏa, hạn chế tiếp xúc đã góp phần đáng kể khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm hơn đến mua sắm trực tuyến.
Nhìn nhận về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho hay, năm vừa qua, thương mại điện tử đã có những đóng góp hết sức thiết thực trong việc thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa và nông sản các tỉnh, địa phương ngay trong bối cảnh dịch bệnh. Hội nghị lần này cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp địa phương có điều kiện tiếp xúc, tăng cường quảng bá sản phẩm đặc sản của địa phương mình, kết nối với các kênh phân phối cả truyền thống và hiện đại.
“Thông qua hội nghị lần này, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng các chương trình, hoạt động trong năm 2022 và các năm tiếp theo, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp địa phương hơn nữa, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá trên môi trường trực tuyến thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước, kích cầu tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu”- lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số lưu ý.
Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số sẽ tiếp tục phối hợp sở ngành địa phương với các sàn thương mại điện tử đã ký kết hợp tác triển khai các chương trình quảng bá sản phẩm địa phương trên các sàn thương mại điện tử, xây dựng các chương trình đẩy mạnh phân phối trên các sàn thương mại điện tử qua “Gian hàng Việt trực tuyến” để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương mở rộng kênh phân phối trên toàn quốc, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo và kết nối thương mại điện tử với các sàn thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia” ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Tại hội nghị, hơn 100 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà phân phố tại các điểm cầu Bình Định, Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã đăng ký kết nối hợp tác cung cầu hàng hóa của doanh nghiệp giữa các địa phương với hệ thống siêu thị, nhà phân phối trên địa bàn TP. Hà Nội. |