5 tháng, Hải Dương thu hút hơn 200 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài
Vốn FDI tăng 6 lần so với cùng kỳ
Các lĩnh vực mà Hải Dương tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài là công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ điện tử; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp 4.0 và công nghiệp xanh.
Trong số gần 210 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài rót vào Hải Dương, gồm 152,5 triệu USD từ 27 dự án cấp mới và 55 triệu USD từ 16 dự án điều chỉnh tăng vốn. Các dự án mới chủ yếu đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức…
Năm 2023, Hải Dương đặt mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài đăng ký đạt 410 triệu USD,vốn đầu tư thực hiện đạt 750 triệu USD trở lên. Doanh thu của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 7 tỷ USD, nộp ngân sách nhà nước trên 400 triệu USD.
Hải Dương hiện có 496 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn trên 9,2 tỷ USD đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp thứ 4 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 11 cả nước. Lĩnh vực thu hút vốn chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, với 437 dự án, tổng vốn hơn 8,672 tỷ USD, chiếm 94% vốn đăng ký. Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ có 42 dự án với số vốn 316,2 triệu USD; lĩnh vực nông nghiệp có 17 dự án với số vốn 226,9 triệu USD.
5 tháng đầu năm, Hải Dương thu hút hơn 200 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 6 lần về số vốn đăng ký so với cùng kỳ 2022 |
Giai đoạn 2018-2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 35.453 triệu USD chiếm 84,8% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI luôn là điểm sáng trong đóng góp vào ngân sách tỉnh, hàng năm luôn chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách của địa phương. Riêng năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp gần 5.000 tỷ đồng, vượt 157% dự toán giao và 108% so với cùng kỳ...
Trong 26 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương, các nhà đầu tư đến từ châu Á chiếm 90%, còn lại là nhà đầu tư đến từ châu Mỹ, châu Âu. Trong đó, Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất, với số vốn đầu tư chiếm 40% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Nhật Bản chiếm 16,3%, Hàn Quốc chiếm 15,4%, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm 7,8% tổng vốn đầu tư đăng ký....
Ông Nagai Toshiyuku, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam (Nhật Bản) cho biết: “Công ty được thành lập từ năm 2006, cũng có nghĩa chúng tôi và Hải Dương đã đồng hành được 17 năm. Khi mới đi vào hoạt
động, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự giúp đỡ nhiệt tình, nhanh chóng, kịp thời của lãnh đạo tỉnh, chúng tôi đã có thể sản xuất một cách ổn định và phát triển được như hôm nay”.
Hải Dương nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp FDI
Bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh Hải Dương hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: các dự án quy mô nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ khá lớn; còn có doanh nghiệp lỗ lũy kế gần bằng vốn chủ sở hữu nhưng vẫn đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; còn tình trạng nợ lương công nhân, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài của địa phương. Với phương châm “thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh, mọi khó khăn của doanh nghiệp đều được chia sẻ tháo gỡ”, ông Hùng khẳng định, tỉnh cam kết sẽ luôn gắn bó, đồng hành và tiếp tục giành sự thân thiện, ủng hộ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất - kinh doanh.
Ông Hùng cho biết: “Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, chuyển đổi mô hình theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại. 4 lĩnh vực mà tỉnh tập trung thu hút vốn đầu tư nước ngoài là công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ điện tử; công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp 4.0 và công nghiệp xanh”.
Cũng tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Hải Dương với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh diễn ra vào 18/5, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cam kết Hải Dương sẽ cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; luôn sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả...
Một trong những vấn đề các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hải Dương quan tâm và cần gỡ vướng nhất chính là thủ tục hành chính. Trong đó, các doanh nghiệp mong muốn quy trình đầu tư gọn nhẹ hơn, quy định rõ ràng về phòng cháy chữa cháy (PCCC) và các thủ tục đăng ký với lao động là người nước ngoài.
Theo đó, một số doanh nghiệp kiến nghị Hải Dương cần tiếp tục đầu tư hơn nữa cho cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, các tiện ích đi kèm các khu công nghiệp như nhà ở xã hội, nâng cao chất lượng, sự ổn định của hệ thống điện. Sớm hoàn thành thủ tục hoàn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô năm 2022. Hệ thống đào tạo nguồn nhân lực cần bám sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính, nhất là rút ngắn thời gian hoàn thiện một số thủ tục như cấp giấy phép lao động, xuất nhập cảnh…
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI trong phạm vi của tỉnh sẽ được giải quyết nhanh, dứt điểm; tiếp thu, có kiến nghị tháo gỡ kịp thời đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của các cơ quan Trung ương.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng cũng yêu cầu từng sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, tạo bước chuyển biến đột phá, thực chất về cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, cấp phép lao động. Bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực đối với cộng đồng doanh nghiệp.