Thứ hai 21/04/2025 11:52

5 cách để phát hiện, nhận diện các giấy chứng nhận ISO giả mạo

Việc phát hiện, nhận diện sớm các giấy chứng nhận ISO giả mạo sẽ giúp người tiêu dùng, doanh nghiệp tránh được thiệt hại về lợi ích kinh tế.

Nhức nhối tình trạng giả mạo giấy chứng nhận ISO

Tiêu chuẩn ISO là tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng. Đạt được chứng nhận này cho thấy một tổ chức đã tuân thủ các tiêu chuẩn quản lý chất lượng được xác định bởi ISO (Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế).

Tiêu chuẩn ISO được xem như là thước đo để tạo thuận lợi và giá trị gia tăng cho thương mại trong nước và quốc tế. Các tổ chức áp dụng ISO sẽ có được sự tin tưởng từ đối tác và người tiêu dùng hoặc sẽ có điều kiện để gia nhập chuỗi cung ứng thế giới.

Từ những lợi ích mà ISO mang lại, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu để cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cho ra thị trường nhiều sản phẩm phù hợp với các tiêu chuẩn chất lượng của ISO và được cấp giấy chứng nhận ISO.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn những doanh nghiệp chưa chú trọng vào cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nên chỉ đưa ra thị trường những sản phẩm kém chất lượng, chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận ISO. Thay vì tiếp tục cố gắng đáp ứng các điều kiện để được cấp chứng nhận ISO, một số tổ chức, doanh nghiệp có hành vi sử dụng, làm giả chứng nhận ISO với mục đích quảng cáo, trục lợi bất chính.

Trên thực tế, thời gian qua, đã có những tổ chức chứng nhận (các đơn vị được phép cấp chứng nhận ISO) lên tiếng cảnh báo về việc bị một số tổ chức, cá nhân làm giả giấy chứng nhận.

Điển hình như trường hợp Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm định Vinacontrol CE đăng tải thông tin cảnh báo về việc Công ty Cổ phần Cửa Tiền Phong (địa chỉ tại số 389 Nguyễn Văn Linh, phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng) có hành vi làm giả giấy chứng nhận của Vinacontrol CE.

Vinacontrol CE đăng thông tin cảnh báo về việc bị giả mạo chứng nhận.

Một trường hợp khác là Công ty Cổ phần chứng nhận quốc gia GOODVIETNAM đã phát hiện và cảnh báo gian hàng thương mại điện tử có tên “ONFOD Thực Phẩm Hữu Cơ” kinh doanh trên sàn thương mại điện tử shopee tại địa chỉ: https://shopee.vn/onfod có hành vi sử dụng giấy chứng nhận ISO 22000:2018 giả mạo.

Công ty Cổ phần chứng nhận quốc gia GOODVIETNAM cũng bị giả mạo chứng nhận.

Cách nhận diện các giấy chứng nhận ISO giả mạo

Theo một chuyên gia của Công ty Cổ phần chứng nhận quốc gia GOODVIETNAM, để có thể chủ động nhận diện, phát hiện các giấy chứng nhận ISO giả mạo, khách hàng có thể áp dụng một số cách thức sau:

Thứ nhất, cần kiểm tra thông tin về việc tổ chức, doanh nghiệp cấp chứng nhận đã được cấp phép hoạt động chứng nhận (theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP và Nghị định số 154/2018/NĐ-CP) hay chưa, danh mục các lĩnh vực, sản phẩm được phép chứng nhận. Thông tin này hiện được đăng công khai trên website của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Thứ hai, hiện nay, một số tổ chức chứng nhận đã cho phép người dùng kiểm tra, xác thực giấy chứng nhận ISO ngay trên chính website của tổ chức. Người dùng chỉ cần nhập số giấy chứng nhận sẽ có thông tin về doanh nghiệp được cấp, lĩnh vực và các thông tin liên quan.

Thứ ba, khách hàng cần chú ý đến một số chi tiết quan trọng của giấy chứng nhận như ngày cấp, thời hạn. Giấy chứng nhận ISO hiện chỉ có thời hạn 3 năm.

Thứ tư, trong trường hợp nghi ngờ về các nội dung liên quan tới giấy chứng nhận như đơn vị được cấp chứng nhận, phạm vi, mã số chứng nhận hoặc bất kỳ dấu hiệu giả mạo nào, cá nhân hoặc khách hàng có thể liên hệ trực tiếp tới các tổ chức chứng nhận

Thứ năm, hiện nay có rất nhiều trường hợp doanh nghiệp sử dụng sai mục đích của dấu chứng nhận trên sản phẩm. Chứng nhận ISO thông thường đều là chứng nhận hệ thống quản lý của doanh nghiệp. Giấy chứng nhận ISO không thể hiện việc chứng nhận cho sản phẩm cụ thể nào. Do vậy, nếu có bất kỳ sản phẩm nào trên bao bì có ghi "sản phẩm đạt chất lượng ISO 22000" hoặc " sản phẩm được chứng nhận ISO 22000" đều là chưa phù hợp, dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Trong trường hợp này, người tiêu dùng cần phản ánh tới doanh nghiệp về việc sử dụng dấu chứng nhận không phù hợp.

Liên quan tới vấn đề trên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá năm 2007 quy định rõ hành vi bị cấm bao gồm: Cố tình cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả thử nghiệm, kiểm tra, giám định, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 6 Điều 8); giả mạo hoặc sử dụng trái phép dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy, các dấu hiệu khác về chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Khoản 7 Điều 8); thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa (Khoản 9 Điều 8).

Khoản 1 Điều 24 Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá cũng quy định rõ: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.

Khoản 1 Điều 341 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018), được sửa đổi bởi Khoản 126 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

Phong Lâm
Bài viết cùng chủ đề: giấy tờ giả

Tin cùng chuyên mục

Khóa cửa kỹ thuật số: 'Bẫy tử thần' khi nhà cháy

Thêm một doanh nghiệp bán hàng đa cấp ngừng hoạt động

Đề xuất hình sự hóa tội phạm bán hàng đa cấp

Trang ‘Sữa Bột Tốt’ và trò lố nâng sữa ngoại, dìm hàng Việt, vi phạm Luật Cạnh tranh

Hơn 70% doanh nghiệp chưa đăng ký hợp đồng mẫu chung cư

Xử lý nghiêm KOLs cung cấp thông tin sai sự thật

Cần xây dựng thương hiệu ngành yến sào theo chuẩn quốc tế

Công ty đa cấp Elken Việt Nam bị phạt 185 triệu đồng

Góc tối đa cấp: Gần 700 người tiêu dùng 'kêu cứu'!

Sunrider Việt Nam chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp

Cách doanh nghiệp Việt nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới

Bảo vệ người tiêu dùng: Góc nhìn từ Đại sứ Anh

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia thông tin về triệu hồi xe Honda CB650R và CBR650R

Số hóa đa cấp: Cách mạng hay rủi ro tiềm ẩn?

‘Ngấm đòn’ sau ưu đãi Piship Shopee: Mồi nhử mới kiểu…bẫy chuột?

Việt Nam - Anh: Bước tiến mới trong hợp tác bảo vệ người tiêu dùng

Khi hàng kém chất lượng được ‘tô vẽ’ trên sàn

Chặn 'vòi' đa cấp 'ma' núp bóng giấy phép hợp pháp

Sáng 20/3, Báo Công Thương tổ chức toạ đàm Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm

Toyota triệu hồi gần 3.600 xe Wigo lỗi điều khiển động cơ