Doanh nghiệp cần chủ động tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định EVFTA Hiệp định EVFTA: Cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khai thác các thị trường ngách từ EU |
Doanh nghiệp tận dụng tốt Hiệp định EVFTA
Chia sẻ với báo chí mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt những cơ hội từ Hiệp định này.
Doanh nghiệp Việt Nam tận dụng khá tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA |
Cụ thể, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, trong một cuộc khảo sát của VCCI đối với hơn 500 doanh nghiệp sau 2 năm thực thi EVFTA, kết quả nhận được khá tích cực. Theo đó, trong 2 năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt EVFTA, cứ 10 doanh nghiệp thì có 4 doanh nghiệp cho biết đã từng thu được những lợi ích nhất định từ EVFTA, trong đó nhóm lợi ích phổ biến nhất là các ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu đi EU hoặc đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU.
“Cùng với đó, một lượng lớn doanh nghiệp cho biết đã được tận hưởng những cơ hội mới từ EVFTA trong việc liên kết, liên doanh với các đối tác cũng như trong việc có thêm những đơn hàng, thêm doanh thu lợi nhuận từ việc tham gia vào các hoạt động trong chuỗi cung ứng để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu đối với thị trường EU” – bà Nguyễn Thị Thu Trang thông tin.
Đặc biệt, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, so với nhiều FTA khác, EVFTA đã mang lại cơ hội rất sớm, rất đáng kể cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, EVFTA còn mở ra cơ hội để Việt Nam giao thương với 27 đối tác của EU, đây là những lợi ích hoàn toàn mới. Do vậy, khảo sát của VCCI còn cho thấy, cứ 100 doanh nghiệp thì có hơn 90 doanh nghiệp cho biết đã từng biết đến EVFTA ở các mức độ khác nhau và tỷ lệ này cao nhất trong số tất cả các FTA mà chúng ta đã có từ trước đến nay.
Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bắt đầu quan tâm sâu hơn, tìm hiểu về những cam kết có liên quan đến hoạt động kinh doanh có thể tận dụng được hoặc có thể chuẩn bị cho những thách thức có liên quan đến EVFTA.
“Theo khảo sát, cứ 10 doanh nghiệp thì chỉ có 3 doanh nghiệp biết ở mức độ tương đối về các cam kết EVFTA có liên quan đến mình và có 1 doanh nghiệp biết rõ về những cam kết này. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đã có được một xuất phát điểm về mặt nhận thức để biết về những cam kết và từ đấy mới có những hành động thích hợp” – bà Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định.
Doanh nghiệp đã chủ động tận dụng cơ hội từ EVFTA |
Giải pháp nào giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn Hiệp định EVFTA?
Trước ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp cần lưu ý gì khi đến năm 2023 sẽ không còn sự lựa chọn giữa chế độ ưu đãi thuế quan tại EVFTA và chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)? Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng: Trước khi có EVFTA, với tư cách là một khu vực phát triển, EU đã xây dựng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập cho hàng hóa đến từ các nước đang phát triển, trình độ cạnh tranh còn hạn chế.
GSP là một chương trình ưu đãi thuế quan đơn phương mà EU dành cho Việt Nam và theo như cam kết thì chương trình ưu đãi này sẽ kết thúc sau 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, nghĩa là sẽ kết thúc vào cuối năm 2022. Trước khi kết thúc, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều ưu đãi khi được lựa chọn 1 trong 2 hình thức ưu đãi thuế quan tại GSP và EVFTA, cái nào thuận lợi hơn thì sử dụng.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tỷ lệ tận dụng ưu đãi GSP xấp xỉ khoảng 20% - mức rất cao so với các hiệp định khác. Rõ ràng, đây là bước chạy đà để các doanh nghiệp làm quen với các ưu đãi thuế quan tại EVFTA khi GSP chấm dứt. Ngoài ra, một điểm khá lợi thế là mặc dù có một số khác biệt nhưng cách thức ưu đãi của GSP và EVFTA không quá khác biệt. Hơn nữa, nếu trong trường hợp lộ trình giảm thuế tại EVFTA chưa được tốt bằng GSP thì trong cam kết chúng ta đã đạt được quy định: Nếu mức thuế trước đó thấp hơn thì doanh nghiệp vẫn được hưởng theo GSP nhưng quy trình thủ tục và các điều kiện về quy tắc xuất xứ phải tuân theo quy định trong EVFTA.
“Nếu các doanh nghiệp có được sự chủ động giống như đã từng chủ động trong 2 năm vừa qua trong việc tìm hiểu EVFTA thì chúng ta có lý do để tin rằng, sẽ có một bước chuyển khá thuận lợi từ sử dụng lựa chọn GSP hay EVFTA sang chỉ sử dụng hoàn toàn EVFTA” – bà Nguyễn Thị Thu Trang thông tin.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và biến động, để thúc đẩy xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam càng phải tận dụng cơ hội từ EVFTA nói riêng và các FTA nói chung để đẩy mạnh giao thương, xuất nhập khẩu. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cũng cần thay đổi nhằm phù hợp, sẵn sàng cho những yêu cầu mới của thị trường EU.
Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh, Việt Nam đang có một lợi thế gần như là duy nhất đối với một số sản phẩm do không có nhiều đối thủ cạnh tranh do chúng ta có hiệp định thương mại với EU, nhưng tình hình có thể sẽ thay đổi trong một tương lai gần khi EU tiếp tục hội nhập với các đối tác khác thông qua các FTA giống như đã ký kết với Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến những vấn đề này để có sự chuẩn bị.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có sự thay đổi về năng lực cạnh tranh dựa trên chất lượng, thương hiệu, mẫu mã và những yếu tố khác mà chúng ta đang có lợi thế nhờ EVFTA. Nếu các doanh nghiệp làm tốt thì sẽ tạo đà cho phát triển trong lâu dài, giữ ổn định thị trường, đồng thời, các doanh nghiệp đáp ứng tốt các yêu cầu từ thị trường EU cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể đáp ứng được yêu cầu của gần như tất cả đối tác phát triển khác. Đây sẽ là cơ hội không chỉ ở thị trường này mà lan tỏa ra những thị trường khác.