Vì sao Việt Nam nhập siêu rau quả từ Ấn Độ? Vì sao trái cây Trung Quốc hiện diện nhiều tại thị trường Việt Nam? |
Theo số liệu của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi 559,507 triệu USD để nhập khẩu rau quả, tăng 1,57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam nhập khẩu nhiều hành, tỏi từ thị trường Ấn Độ, Trung Quốc |
Trong số các thị trường nhập khẩu rau quả hiện thị trường Trung Quốc đang đứng vị trí số 1 với tổng kim ngạch nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 211,962 triệu USD, tăng 5,59% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng vị trí thứ hai trong kim ngạch nhập khẩu là thị trường Hoa Kỳ với con số 85,131 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái nhập khẩu đạt 97,387 triệu USD).
Vị trí thứ ba là thị trường Australia với kim ngạch nhập khẩu 41,472 triệu USD (cùng kỳ năm ngoái nhập khẩu là 49,284 triệu USD).
Đứng vị trí thứ 4 và thứ 5 lần lượt là thị trường Myanma và Campuchia với con số xuất khẩu lần lượt là 37,496 triệu USD và 25,898 triệu USD.
Về thị phần nhập khẩu rau quả, hiện Trung Quốc chiếm 37,88%, Hoa Kỳ chiếm 15,22%, Australia chiếm 7,41%, Myanma chiếm 6,7%, Campuchia chiếm 4,07%,…
Bản tin phân tích thị trường xuất nhập khẩu nông sản (Ban Chỉ đạo phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)) – cũng cho thấy, quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu các loại rau quả chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Myanma, Australia và Campuchia.
Các loại rau quả nhập khẩu nhiều nhất gồm: Táo chiếm 13%; nho, quýt, tỏi và đậu xanh mỗi loại chiếm 8%; hạt dẻ 7%; anh đào 4%; các loại khác chiếm 37%.
Riêng rau quả nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm 41% trong quý I/2023, trong đó, tỏi và quýt đứng đầu bảng các với tỷ lệ 19% mỗi loại. Đứng là ba là nấm, chiếm 15%, sau đó tới táo 11%, lê 7%, hành 5%, còn lại là các loại rau quả khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Đặng Phúc Nguyên – Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay, trong số các thị trường nhập khẩu rau quả, Ấn Độ là thị trường có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh nhất trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 23,206 triệu USD (so với con số 6,744 triệu USD năm 2022), tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường duy nhất mà chúng ta nhập siêu rau quả. Các mặt hàng nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ gồm hành, tỏi, cây gia vị.
Nguyên nhân nhập khẩu rau quả từ thị trường Ấn Độ tăng mạnh một phần là do các doanh nghiệp Ấn Độ sang Việt Nam và làm marketing rất mạnh. Mặt khác, rau quả của họ qua Việt Nam chịu thuế thấp.
Ở chiều ngược lại, hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ chưa được nhiều do hàng rào thuế quan rất cao, từ 40 - 70% (ngoại trừ mặt hàng thanh long). Bên cạnh khó khăn về yếu tố hàng rào thuế quan, các doanh nghiệp của chúng ta còn gặp rất nhiều rủi ro về vấn đề thanh toán. Khách hàng chỉ đặt cọc vài chục phần trăm, hàng qua bên đó, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả thường xuyên đối diện với tình trạng "xù" hàng.
“Năm nào chúng ta cũng nhập siêu từ thị trường Ấn Độ từ 30 - 50%” - ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ - nhưng do kim ngạch nhập khẩu không lớn, chỉ khoảng 20 triệu USD, nên đôi khi, chúng ta cũng không quan tâm nhiều đến con số nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ.
Về nhập khẩu rau quả từ thị trường Campuchia, theo ông Đặng Phúc Nguyên, chúng ta chủ yếu nhập khẩu về chế biến, cấp đông và xuất khẩu sang các nước khác. Tiêu dùng trong nước chỉ chiếm một phần rất nhỏ.
Dự báo về con số nhập khẩu rau quả năm nay, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết, nhập khẩu thường chiếm một nửa kim ngạch xuất khẩu. Ví dụ, nếu xuất khẩu đạt con số 4 tỷ USD, thì kim ngạch nhập khẩu cũng đạt con số 2 tỷ USD. Nguyên nhân do chúng ta đang có nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTAs), nếu họ mở cửa thị trường cho Việt Nam thì chúng ta cũng phải mở cửa thị trường cho họ. Đây là “cuộc chơi” win – win từ cả hai phía.
Nói thêm về nhập khẩu hành, tỏi từ thị trường Ấn Độ, Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm, cho dù chất lượng không thể so bì với tỏi nội địa, nhưng tỏi Trung Quốc, Ấn Độ giá rất rẻ, dễ bóc, và có thể để cả năm không thối, không mọc mầm..., vì vậy, được các nhà hàng, quán ăn ưa chuộng.