Không tạo khoảng trống pháp luật
Sáng 12/8, tại Phiên họp Chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy (Ảnh: QH) |
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách xây dựng Luật và thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 12 Chương,117 Điều, chỉnh lý 72 điều so với dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 7.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật (Điều 1), ông Lê Quang Huy cho hay, có ý kiến đề nghị rà soát phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động chế biến khoáng sản để không tạo khoảng trống pháp luật, nhất là đối với hoạt động chế biến khoáng sản độc lập mà không gắn với dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường báo cáo như sau: Tại Điều 53 của Hiến pháp quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.
Như vậy, khoáng sản sau khi khai thác (khoáng sản nguyên khai) đã chuyển từ sở hữu toàn dân (sở hữu nhà nước) sang sở hữu của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản và trở thành hàng hoá.
Theo đó, các chế định pháp lý liên quan đến sử dụng khoáng sản nguyên khai để chế biến, hoặc tiêu thụ, kinh doanh khoáng sản được điều chỉnh bởi quy định của pháp luật về đầu tư, thương mại và pháp luật khác có liên quan.
Hoạt động chế biến khoáng sản không gắn với dự án đầu tư để cấp giấy phép khai thác khoáng sản hoặc giấy xác nhận đăng ký khai thác khoáng sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này; hoạt động này đã có các quy định về đầu tư, thương mại... điều chỉnh, do đó, không tạo khoảng trống pháp luật.
Dự thảo Luật chỉ điều chỉnh đối với hoạt động chế biến khoáng sản là hoạt động phân loại, làm giàu khoáng sản, hoạt động khác nhằm làm tăng giá trị khoáng sản nguyên khai đã được khai thác, thuộc dự án đầu tư khai thác khoáng sản.
Có ý kiến cho rằng, cần xử lý mối quan hệ giữa dự án Luật Địa chất và Khoáng sản với các luật chuyên ngành có điều chỉnh nội dung về chế biến khoáng sản, bảo đảm không chồng chéo về phạm vi quản lý; đề nghị rà soát để tránh ảnh hưởng đến việc quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản trong thời gian tới.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo cùng Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tiến hành rà soát 46 Luật có liên quan, trong đó có các Luật: Đầu tư, Doanh nghiệp, Thương mại, Quy hoạch, Xây dựng… Kết quả rà soát cho thấy không có sự chồng chéo về phạm vi quản lý và không ảnh hưởng đến việc quy hoạch, hoạch định chính sách phát triển ngành công nghiệp chế biến khoáng sản.
2 phương án về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản
Về quy hoạch khoáng sản, ông Lê Quang Huy cho hay, về trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản (Điều 15), có ý kiến đề nghị giao cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường lập các quy hoạch khoáng sản tương tự như Luật Khoáng sản hiện hành là phù hợp và không gây mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật khác.
Theo đó, các nội dung quy hoạch về diện tích, quy mô thăm dò, khai thác, chế biến được Bộ quản lý chuyên ngành rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng gắn kết hài hòa giữa thăm dò, khai thác với chế biến, sử dụng khoáng sản; quán triệt nghiêm túc với yêu cầu tại Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị là gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu quy hoạch, điều tra, thăm dò, khai thác đến chế biến, sử dụng khoáng sản.
Nếu giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì lập quy hoạch, Bộ sẽ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch và cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản.
Về nội dung này, theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, trong quá trình nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, có một số ý kiến đề nghị tiếp tục giữ nguyên phân công trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch khoáng sản như quy định tại Luật Quy hoạch và Luật Khoáng sản năm 2010, nhưng cũng có ý kiến thống nhất chỉ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch khoáng sản.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo nội dung Điều 15 theo 2 phương án như sau: Phương án 1: Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường lập Quy hoạch khoáng sản (phương án Chính phủ trình Quốc hội); Phương án 2: Giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng lập quy hoạch khoáng sản (giữ như quy định của Luật Khoáng sản và Luật Quy hoạch hiện hành).
Việc quy định 2 phương án như trên liên quan đến việc chỉnh lý Điều 13 (Quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất và khoáng sản), Điều 14 (Căn cứ và nội dung của quy hoạch khoáng sản),Điều 15 (Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản) và khoản 3 Điều 115 (Sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch).
Về Phương án 1, việc giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập, trình phê duyệt các quy hoạch khoáng sản sẽ bảo đảm đồng bộ trách nhiệm quản lý quy hoạch, cấp phép, kiểm tra, thanh tra trong hoạt động khoáng sản.
Tuy nhiên, thực hiện theo Phương án 1 là thay đổi so với các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Khoáng sản, Luật Quy hoạch), thay đổi chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các bộ, ngành và cần đượcnghiên cứu, tổng kết, đánh giá đầy đủ, kỹ lưỡngtác động của sự thay đổi chính sách nàyvì nội dung nàynằm ngoài phạm vi các nhóm chính sách trong hồ sơ xây dựng Dự án Luật Địa chất và Khoáng sản đã được Quốc hội thông qua. Do vậy, phương án này cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết đánh giá để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.
Về Phương án 2, việc giao cho Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chủ trì lập các quy hoạch khoáng sản nhóm I, quy hoạch khoáng sản nhóm II thì các nội dung quy hoạch về diện tích, quy mô thăm dò, khai thác, chế biến sẽ được Bộ chuyên ngành rà soát, điều chỉnh theo nhu cầu sử dụng của các ngành công nghiệp luyện kim, vật liệu xây dựng; hạn chế tình trạng khép kín trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản (một Bộ vừa là cơ quan lập, vừa là cơ quan quản lý quy hoạch, đồng thời cũng là cơ quan cấp phép hoạt động khoáng sản).
Việc thực hiện theo Phương án 2 là tiếp tục duy trì phân công trách nhiệm các Bộ lập các quy hoạch khoáng sản như thực tế hiện nay, phù hợp với chức năng nhiệm vụ của các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương theo phân công của Chính phủ và hạn chế xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn tại địa phương.
Tuy nhiên, nếu thực hiện theo Phương án 2 thì Chính phủ cần nghiên cứu, quy định trong dự thảo Nghị định về việc tăng cường phối hợp giữa các bộ trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản.
Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng ý theo Phương án 2. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các điều 13, 14, 15 và khoản 3 Điều 115 của dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc tổ chức quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, đồng thời, đẩy mạnh phân cấp cho UBND cấp huyện.
Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường xin báo cáo như sau: Dự thảo Luật đã quy định rất cụ thể về trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản (Điều 23, 24, 25, 36, 37, 78, 111, 112, 113 và 114).
Về nội dung đẩy mạnh phân cấp cho địa phương: Đã tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quản lý và cấp phép thăm dò, khai thác đối với bùn khoáng, nước khoáng, nước nóng thiên nhiên.
Về nội dung phân cấp cho UBND cấp huyện: Lĩnh vực hoạt động khoáng sản là một chuyên ngành sâu, đa dạng, phức tạp, trong khi đó nhân lực của UBND cấp huyện phần lớn khó đáp ứng được yêu cầu giám sát, kiểm soát, có thể ảnh hưởng tới mục tiêu quản lý phát triển bền vững. Do đó, dự thảo Luật không phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý mà UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo UBND cấp tỉnh về tình hình hoạt động địa chất, khoáng sản trên địa bàn (khoản 2 Điều 112).