Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mũi tiến công chiến lược trên biển để giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam, thu non sông về một mối… là dấu mốc chói lọi của lịch sử dân tộc. |
Những ngày tháng Tư lịch sử, khắp phố phường Hà Nội rập bóng cờ hoa chào mừng 47 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong bầu không khí đón ngày lễ lớn của dân tộc, Đại tá, PGS.T.S Trần Ngọc Long – nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam hào hứng khi nhắc lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đặc biệt là mũi tiến công chiến lược trên biển để giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam. Mùa Xuân năm 1975, sau thắng lợi của các chiến dịch Tây Nguyên, Trị-Thiên-Huế và Đà Nẵng, Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4 năm 1975. Cùng với việc chuẩn bị khẩn trương cho trận quyết chiến, chiến lược cuối cùng để giải phóng hoàn toàn miền Nam ngay trong tháng 4 năm 1975, Bộ Tổng Tư lệnh (BTTL) chỉ thị cho BTL Hải Quân và Quân khu 5 tổ chức lực lượng ra giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam. |
Theo nhận định nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam Trần Ngọc Long, tổ chức lực lượng giải phóng các đảo, đặc biệt là một số đảo ở xa bờ và có tầm quan trọng đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 là một quyết định kịp thời và sáng suốt, thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn “hướng biển” của các cơ quan chỉ đạo chiến lược. Đại tá, PGS.T.S Trần Ngọc Long nhấn mạnh, nhiệm vụ giải phóng các đảo, quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông mà Quân đội Việt Nam cộng hoà đang đóng giữ cũng được đặt ra hết sức cấp bách, đặc biệt là với một số đảo, quần đảo ở xa đất liền và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng như Trường Sa, Côn Đảo, Phú Quốc. Ngày 4/4/ 1975, thay mặt BTTL, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức điện đặc biệt cho Khu uỷ, Quân khu uỷ, BTL Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân chính thức giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa. “Đây là bức điện đầu tiên của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Bộ Tổng Tư lệnh chính thức truyền đạt mệnh lệnh giải phóng các đảo ngay trong tháng 4/1975”- Đại tá, PGS.T.S Trần Ngọc Long cho biết. |
Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long phân tích, quần đảo Trường Sa nằm cách đất liền hàng trăm kilomet, tình hình vùng biển ở đây lại cực kỳ phức tạp; trong khi đó lực lượng làm nhiệm vụ giải phóng đảo của ta mỏng, trang bị lạc hậu, cũ kỹ… Vì thế, nếu ta tổ chức đánh và giải phóng Trường Sa sớm, khi Sài Gòn - sào huyệt của chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa bị suy yếu, thì tổn thất sẽ rất lớn và khó hoàn thành mục tiêu đặt ra. Ngược lại, nếu ta đánh chậm một chút thì hải quân một số nước đang hoạt động tại vùng biển Trường Sa sẽ nhân cơ hội “đục nước béo cò”, đặt ta vào việc đã rồi như đã từng diễn ra trước đó. |
Ngày 9/4/1975, khi cuộc tiến công của chủ lực Miền vào phòng tuyến Xuân Lộc mở màn thì cũng là lúc BTTL chỉ thị cho BTL Hải quân xuất quân giải phóng “H.1” ( mật danh của đảo Song Tử Tây ). Ngày 10/4, một biên đội tàu vận tải của Đoàn 125 gồm các tàu 673,674,675 được lệnh tức tốc rời cảng Hải Phòng trực chỉ hướng Đà Nẵng. Sau khi nhanh chóng hoàn tất công tác chuẩn bị, ngày 11/4/1975, biên đội rời cảng Đà Nẵng thẳng hướng ra Trường Sa. Để bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, theo Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long các tàu đều được nguỵ trang thành tàu đánh cá, thuỷ thủ đoàn đều mặc sắc phục của ngư dân. Ngày 14/4/1975, các lực lượng đổ bộ làm chủ hoàn toàn đảo Song Tử Tây. Đây cũng là hòn đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa được giải phóng. Ngày 21/4/1975, phòng tuyến Xuân Lộc bị các lực lượng quân giải phóng chọc thủng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Lúc này, tình trạng rã đám xuất hiện tại nhiều đơn vị quân đội Sài Gòn, binh lính Việt Nam cộng hoà cả ở trên đất liền lẫn ngoài hải đảo đều rơi vào tâm trạng hoang mang lo sợ. Thời cơ lớn để giải phóng các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa đã đến. BTTL chỉ thị cho Tiền phương BTL Hải quân ngay lập tức mở cuộc tiến công lần thứ 2 tiếp tục giải phóng các đảo còn lại của quần đảo Trường Sa. Sáng ngày 25/4/1975, các lực lượng đã đổ bộ thành công lên đảo. “Mặc dù đối phương chống cự quyết liệt nhưng chỉ sau 2 giờ chiến đấu, bộ đội ta đã giải phóng hoàn toàn và làm chủ hòn đảo này”- Đại tá, PGS.TS Trần Ngọc Long nói. Sáng 26/4/1975, quân Việt Nam Cộng hòa quyết định rút bỏ đảo Nam Yết, đưa toàn bộ lực lượng về co cụm ở đảo Trường Sa. Không bỏ lỡ cơ hội, Sở chỉ huy tiền phương của Hải quân lập tức lệnh cho Tàu 673 nhanh chóng đưa lực lượng đổ bộ đánh chiếm đảo Nam Yết. Sáng ngày 27 tháng 4 làm chủ hoàn toàn đảo Nam Yết. Trưa 28/4, lực lượng đổ bộ làm chủ hoàn toàn đảo Sinh Tồn. Hoà cùng nhịp độ tiến công thần tốc của các cánh quân trên bộ, Tàu 673 tiếp tục đưa lực lượng thọc sâu xuống đảo Trường Sa - một trong những hòn đảo xa và quan trọng nhất của quần đảo Trường Sa. |
Sau chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa kết thúc thắng lợi, ngày 30/4/1975, BCT và QUTƯ tiếp tục chỉ thị cho BTL và Đảng uỷ Mặt trận Sài Gòn lưu ý việc giải phóng và đưa số tù nhân từ các nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc trở về đất liền. Một ngày sau đó, bộ đội Hải quân được lệnh ra giải phóng Côn Đảo. Trước đó, vào 27/4, Hải đoàn 385 cùng lực lượng vũ trang huyện Tuy Phong (Bình Thuận) đã giải phóng hoàn toàn đảo Cù Lao Thu. Các hòn đảo gần bờ trên vùng biển phía Nam đều được lực lượng vũ trang phối hợp với các lực lượng tại chỗ giải phóng và làm chủ ngay trong quá trình giải phóng quần đảo Trường Sa. |
Đại tá, PGS. TS Trần Ngọc Long cho rằng, cái hay ở chỗ, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trên biển phức tạp như vậy, chúng ta bảo đảm hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất về lực lượng và phương tiện. Đó là một thành công. Quyết định cũng như quá trình tổ chức lực lượng ra giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 đã góp phần tạo cơ sở vững chắc để chúng ta tiếp tục thực hiện chiến lược biển đảo sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. |
Việc kịp thời giải phóng các đảo và đảo trên biển Đông, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, PGS.TS Trần Đức Cường cũng nhận định là có ý nghĩa trước mắt và lâu dài. Bởi đây là một phần lãnh thổ của Việt Nam, không chỉ có vị trí chiến lược về quân sự, mà còn là vị trí kinh tế trong khu vực. Nhờ đánh chiếm và giải phóng sớm các đảo trên quần đảo Trường Sa cũng như các đảo ở biển Tây nam Tổ quốc, chúng ta đã bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải quốc gia từ hướng biển, từ đó rộng đường phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, theo PGS.TS Trần Đức Cường điều này chứng tỏ tầm nhìn hướng biển của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng thời cũng thể hiện quyết tâm vượt qua mọi khó khăn gian khổ của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, hoàn thành nhiệm vụ do Đảng, quân đội và Nhân dân giao phó. 47 năm sau dấu mốc lịch sử giải phóng quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền của Việt Nam, Đại tá, PGS. TS Trần Ngọc Long nhấn mạnh: giải phóng và làm chủ vùng biển, hải đảo trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 chính là sự tiếp nối các cuộc đấu tranh nhằm thực thi và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; đưa quần đảo Trường Sa và các đảo ở vùng biển phía Nam bước vào thời kỳ lịch sử mới, thời kỳ xây dựng chiến đấu và trưởng thành bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc … |
Thực hiện: Nhóm phóng viên |