Chiến sự Israel-Hamas ngày 7/11/2023: Xung đột tại Dải Gaza đang biến thành khủng hoảng cấp nhân loại Chiến sự Israel-Hamas ngày 8/11/2023: Israel nêu điều kiện ngừng bắn nhân đạo ở Dải Gaza |
Israel là quốc gia có thu nhập cao theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, quốc gia này đứng thứ 18 về tổng thu nhập quốc dân (GNI). GNI bình quân đầu người của Israel vào năm 2022 ước tính là 54,7 nghìn USD.
Đồng thời, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Israel đang tăng trưởng với tốc độ cao từ 2013 đến 2022, GDP nước này đã tăng gấp rưỡi, trung bình 4,1% mỗi năm. Vào cuối năm 2022, GDP ước tính là 525 tỷ USD.
Vào năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán (ngay cả trước khi xung đột bắt đầu) nền kinh tế Israel sẽ tăng trưởng 3,1%, đạt 521,7 tỷ USD.
Xung đột với Hamas sẽ khiến Israel thiệt hại bao nhiêu?
Ngân hàng lớn nhất Israel Hapoalim, ước tính cuộc xung đột quân sự với Hamas có thể khiến nền kinh tế Israel thiệt hại ít nhất 27 tỷ Shekel (khoảng 6,6 tỷ USD). Con số này tương đương với khoảng 1,6% GDP của Israel vào năm ngoái.
Kinh tế Israel đã phục hồi sau các cuộc chiến trước đây với Hamas, nhưng vòng xoáy bạo lực lần này có thể kéo dài lâu hơn |
“Thời gian và tính chất của cuộc chiến sẽ quyết định mức độ thiệt hại cho nền kinh tế”, Cố vấn kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Hapoalim, Leo Leiderman cho biết.
Theo ông Leiderman, chi tiêu của người tiêu dùng chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế. Do đó, tác động là rất đáng kể. “Ngoài ra, du lịch, thương mại, dịch vụ vận tải, giải trí và nhà hàng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Leiderman nhận định.
Theo Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich, chi phí trực tiếp mà Tel Aviv phải gánh chịu từ cuộc chiến với Hamas là khoảng 1 tỷ Shekel mỗi ngày (khoảng 245 triệu USD).
Việc huy động 360 nghìn quân dự bị tham chiến, chiếm hơn 8% dân số có việc làm của Israel, cũng sẽ có tác động đến nền kinh tế - vào cuối tháng 8/2023, số người có việc làm ước tính là 4,36 triệu người.
Nhà kinh tế học Elliot Garside của Oxford Economics cho biết, hậu quả trực tiếp của việc chuyển hướng nguồn lực này sẽ là giảm sản lượng kinh tế, đặc biệt là trong các ngành có tỷ lệ lao động trẻ cao (bao gồm cả lĩnh vực công nghệ).
Ngân hàng Trung ương Israel ngày 23/10 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 xuống 2,3% so với mức 3% trước đó. Vào ngày 9/10, ngân hàng trung ương tuyên bố sẽ bán tới 30 tỷ USD trên thị trường mở (khoảng 15% dự trữ) để hỗ trợ đồng Shekel, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 năm sau cuộc tấn công của Hamas.
Vai trò của ngành công nghệ
Theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's, nền kinh tế Israel đã phục hồi tương đối nhanh chóng sau các đợt bạo lực leo thang trước đó, với sự năng động một phần nhờ lĩnh vực công nghệ cao là động lực tăng trưởng chính.
Quân đội Israel tham chiến ở Dải Daza |
Israel vẫn là nước dẫn đầu trong số tất cả các nước Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về cường độ chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực dân sự, ở mức 5,6% GDP vào năm 2021. Trong khi, Cục Thống kê Israel đưa ra con số khác trong cùng năm là 5,8% GDP.
Theo văn phòng thống kê quốc gia, vào năm 2022, chi tiêu quốc gia cho R&D dân sự đã tăng hơn nữa và đạt 6,1% GDP, tương đương 106 tỷ Shekel (khoảng 26 tỷ USD). Hơn 92% tổng chỉ số được cung cấp bởi doanh nghiệp và chỉ 1% do nhà nước cung cấp (6% còn lại được cung cấp bởi các trường đại học). Israel được mệnh danh là “quốc gia khởi nghiệp”. Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel cho hay, ngành công nghệ đóng góp 18,1% vào GDP năm 2022.
Xuất khẩu suy giảm
Gần một nửa xuất khẩu của Israel đến từ dịch vụ công nghệ cao (khoảng 47,8 tỷ USD vào năm 2022) và hàng hóa (khoảng 23,3 tỷ USD). Theo Ngân hàng trung ương Israel, các mặt hàng xuất khẩu chính khác là sản phẩm hóa học (khoảng 15,4 tỷ USD), kim cương thô và đánh bóng đã qua chế biến (hơn 9 tỷ USD vào năm 2022) và dược phẩm (khoảng 3,6 tỷ USD).
Bộ Quốc phòng Israel báo cáo, vào năm 2022, xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng (tên lửa, hệ thống phòng không, máy bay không người lái…) lên tới mức kỷ lục đạt 12,6 tỷ USD. Kết quả này đạt được nhờ Hiệp định Abraham được Israel ký kết vào năm 2020 - 2021 với các quốc gia Ả rập - Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) và Maroc - về bình thường hóa quan hệ. Các nước này được cho đã mua các sản phẩm quân sự của Israel trị giá 3 tỷ USD.
Thâm hụt ngân sách
Bộ Tài chính Israel cho biết, ngân sách quốc phòng của nước này năm 2022 lên tới 23,4 tỷ USD, tương đương 4,5% GDP cả nước. Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho năm 2022, Israel đứng thứ 10 trên thế giới về chi tiêu ngân sách quốc phòng so với GDP. Theo đó, hơn 12% chi tiêu chính phủ của Israel được phân bổ cho mục đích quốc phòng.
Chuyên gia Leiderman cho rằng, chi tiêu quân sự của Israel sẽ tăng đáng kể do cuộc chiến với Hamas. Bao gồm cả vì nghĩa vụ trả lương cho những người được huy động chứ không chỉ vì nhu cầu tái vũ trang.
Bên cạnh đó, thâm hụt ngân sách, theo dự báo mới của Ngân hàng trung ương Israel, sẽ tăng lên 2,3% GDP vào cuối năm 2023 (so với kế hoạch ban đầu là 1,1% GDP) và lên 3,5% vào năm 2024.
Theo ghi nhận, Israel là nước nhận viện trợ lớn nhất của Mỹ trong lịch sử hậu chiến, với tổng số tiền hỗ trợ lên tới 159 tỷ USD từ năm 1946 đến năm 2023, bao gồm 114 tỷ USD viện trợ quân sự. Hàng năm, Israel nhận được 3,3 tỷ USD từ Mỹ, chủ yếu để mua vũ khí. Theo ông Leiderman, viện trợ nước ngoài từ Mỹ sẽ bù đắp một phần thâm hụt kinh tế của Israel.