Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Thọ, 4 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 426 vụ vi phạm. Trong đó, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu là 46 vụ; 12 vụ hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ; 368 vụ gian lận thương mại thuế; khởi tố 25 vụ/155 bị can. Tổng số tiền nộp thu ngân sách nhà nước là trên 6 tỉ đồng.
Mặc dù công tác kiểm tra, giám sát thị trường, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất kinh doanh hàng giả đã có bước chuyển biến tích cực, không phát hiện các vụ việc nổi cộm, nghiêm trọng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Phú Thọ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn gặp một số khó khăn trong quản lý hoạt động mua bán hàng trực tuyến; công tác kiểm tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thời gian kiểm tra mẫu còn mất nhiều thời gian, chi phí lớn... ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Lễ ký quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ với 13 UBND các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Ảnh: DMS |
Bên cạnh đó, việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại mại của một số tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa tốt; đôi khi còn có hành vi cố tình chống đối hoặc cản trở việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế, từ đó, đã vô tình tiếp tay cho các đối tượng phạm tội.
Để tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo, Quản lý thị trường Phú Thọ phải xác định công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận, thương mại phải thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng hơn nữa đến công tác kiểm tra trên môi trường thương mại điện tử; tập trung kiểm tra mặt hàng vàng, thuốc lá... đồng thời thường xuyên thanh kiểm tra nội bộ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, đoàn kết nội bộ” – ông Trần Hữu Linh giao nhiệm vụ.
Đáng chú ý, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, tại Hội nghị tổng kết cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 diễn ra hôm 8/5 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải và Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh đã chứng kiến Lễ ký quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ với 13 UBND các huyện, thành, thị nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò quản lý nhà nước của lực lượng Quản lý thị trường tỉnh cũng như UBND các huyện, thành, thị trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Ông Trần Hữu Linh khẳng định, quy chế phối hợp giữa Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Thọ với UBND các huyện, thành, thị trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ rất quan trọng, thể hiện việc lực lượng Quản lý thị trường không thoát ly khỏi chính quyền địa phương mặc dù thay đổi mô hình tổ chức, hoạt động theo ngành dọc.
Hiện nay, các vụ vi phạm không chỉ xảy ra ở các thành phố lớn, địa bàn trong điểm; nhiều đối tượng đã chuyển địa bàn hoạt động về những vùng nông thôn, vùng xa để né tránh sự kiểm tra của các lực lượng chức năng. Do vậy, quy chế phối hợp với UBND các huyện, thị xã còn giúp lực lượng chức năng có thêm nguồn tin tố giác.
“Mô hình này sẽ được nghiên cứu, nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành phố khác trong thời gian tới để phát huy vai trò tiên phong của lực lượng Quản lý thị trường cũng như nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả” - ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh và cho biết, quy chế phối hợp cũng sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình cũng như có sự phân công quản lý để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.