Xuất siêu trong khó khăn
Theo Bộ Công Thương, dịch Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2020 ước tính đạt 285,12 tỷ USD, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước (Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2019 đạt 289 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước).
Xuất siêu mạnh trong 7 tháng đầu năm |
Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7/2020 ước tính đạt 23 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 14,5 tỷ USD, tăng 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 tăng 0,3%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 10,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 4,9%.
So với tháng 7/2019, ngoại trừ nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng 0,8% thì các nhóm hàng còn lại đều sụt giảm. Điều này cho thấy hoạt động xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực vẫn còn khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Theo Bộ Công Thương, thông thường quý III là thời điểm xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên với việc chưa có đơn hàng mới tại thời điểm hiện tại, xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, túi xách, đồ gỗ… vẫn gặp nhiều khó khăn và sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt tại các quốc gia EU, Hoa Kỳ, Ấn Độ… Một số nước khi dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, mở cửa biên giới lại phải đối mặt với làn sóng Covid-19 thứ hai quay trở lại đã ảnh hưởng bất lợi tới các hoạt động kinh tế, đặc biệt là hoạt động thương mại.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 7/2020 ước tính đạt 22 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 139,33 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tháng 7, Việt Nam ước tính xuất siêu 1 tỷ USD. Tính chung 7 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 6,5 tỷ USD cao hơn nhiều so với con số xuất siêu 1,98 tỷ USD của 7 tháng năm 2019. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,1 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 17,6 tỷ USD.
Tích cực chuyển đổi số trong xuất khẩu hàng hóa
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam 5 tháng cuối năm được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương với việc Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/8/2020), mở ra cơ hội rất lớn cho hàng hóa và doanh nghiệp của Việt Nam.
Nếu dịch bệnh được kiểm soát tại châu Âu, Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có lợi thế rất lớn từ việc giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan vào thị trường EU. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp cận thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới với dân số hơn 508 triệu người, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA sau một lộ trình ngắn, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam sang EU là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông, thủy sản, đồ gỗ...
Trong bối cảnh dịch bệnh, chuyển đổi số là yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, ngày 28/7/2020, tại Hà Nội, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hoá, tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), với hơn 500 doanh nghiệp tham gia.
Tại diễn đàn này, Bộ Công Thương đã khai trương nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN) phiên bản 2020 nhằm hỗ trợ tối đa hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, kết nối giao thương giữa doanh nghiệp khối EU và Việt Nam. Trong đó, chú trọng quảng bá, nâng cao thương hiệu, phát triển các chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt có kim ngạch xuất khẩu lớn cũng như lợi thế của Việt Nam sang EU, bao gồm: dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, gạo, đường, gỗ và sản phẩm gỗ, các sản phẩm rau quả tươi và chế biến; điện thoại, máy móc, máy vi tính…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, cùng với cơ hội từ EVFTA, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số đang ngày càng trở nên phổ biến và được coi là giải pháp hữu hiệu giúp các doanh nghiệp thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2020, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).
Ngoài ra, mới đây, Bộ Công Thương đã công bố 232 doanh nghiệp vào danh sách sơ tuyển doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 2020, là bước đệm nhằm công bố danh sách chính thức vào ngày 20/8 tới. Đây là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đối tác nước ngoài tìm hiểu và xúc tiến giao thương với doanh nghiệp Việt Nam. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm ghi nhận đóng góp tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu trong tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam và giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam với đối tác nước ngoài, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.