Xin ông cho biết một số đánh giá sơ bộ về kết quả xuất nhập khẩu quý I năm nay?
Kết quả xuất khẩu của 3 tháng đầu năm rất tích cực, thể hiện doanh nghiệp đã có được môi trường thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt 176 tỷ USD, tăng 14,4% - mức tăng trưởng rất cao, riêng xuất khẩu tăng 12,9%. Đặc biệt, nhóm hàng hóa nông sản cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá cao, lên đến 18 - 19%. Những mặt hàng như cà phê, gạo, thủy sản đạt mức tăng trưởng còn cao hơn nữa, đạt từ 38 - 50%. Đây là những dấu hiệu chung rất tích cực cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) |
Với riêng nhóm mặt hàng nông sản, những vướng mắc, khó khăn trong thời gian qua có ảnh hưởng tới kết quả xuất khẩu không, thưa ông?
Xuất nhập khẩu của lĩnh vực nông nghiệp luôn được đặc biệt quan tâm, đặc biệt đối với những sản phẩm mùa vụ và xuất tươi như trái cây, rau, hoa quả… Trong thời gian qua, tác động của dịch Covid-19 đã khiến xuất khẩu mặt hàng này gặp khó khăn, đặc biệt trong khâu lưu thông. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, chế biến nông sản cũng như cung ứng lao động đã được thực hiện rất tốt. Đến nay, sau hơn 6 tháng Nghị quyết được triển khai, hoạt động sản xuất nông nghiệp, nông sản đã có dấu hiệu phục hồi và gia tăng.
Bên cạnh đó, nhu cầu nhóm hàng nông sản trên thế giới hiện nay đang rất cao. Đặc biệt, với những nhóm hàng như cá tra, tôm, cà phê, hạt tiêu..., thị trường các nước đang gia tăng mua vào. Đây là những thuận lợi rất lớn cho cho hoạt động xuất khẩu nông sản.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu nông sản tại một số thời điểm có những khó khăn nhất định, như xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua đường bộ đang gặp khó do các biện pháp chống dịch. Trong tình hình đó, các bộ, ngành đã phối hợp với địa phương biên giới tích cực tháo gỡ cũng như có biện pháp giao thiệp với phía Trung Quốc để có thể giảm thiểu được những tác động từ biện pháp chống dịch đối với hoạt động thương mại nông sản. Từ đó, giúp xuất khẩu - nông lâm - thủy sản tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả đạt được của quý I rất đáng mừng. Nhưng nhìn tổng thể, có thể thấy nhiều vấn đề đang đặt ra đối với hoạt động xuất khẩu. Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất mà chúng ta sẽ phải đối diện trong các tháng tới đây?
Thách thức lớn nhất trước mắt vẫn là tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù tại Việt Nam, tác động đã giảm bớt và chúng ta đã có sự thích ứng an toàn để khôi phục sản xuất, tuy nhiên tác động của dịch bệnh ở các thị trường khác cũng có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Đặc biệt là hiện nay, dịch bệnh bắt đầu gia tăng ở Trung Quốc và với chính sách chống dịch của Trung Quốc như hiện nay, ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa rõ ràng sẽ tác động đến nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam.
Xuất khẩu cà phê tăng cao |
Thứ hai, những vấn đề về vận chuyển, logistics. Hai năm vừa qua, tác động của dịch bệnh đã đẩy giá cước vận tải biển lên cao và cho đến thời điểm này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thêm vào đó, với việc dịch bệnh khiến Trung Quốc phong tỏa gây ra ùn tắc các cảng tại Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề cước phí.
Thứ ba, bất ổn từ xung đột thương mại tại Nga, Ukraine cũng tác động đến hoạt động thương mại của Việt Nam. Dù Nga hay Ukraine chưa phải là thị trường lớn của hàng Việt, song hai quốc gia này cũng đang cung cấp những nguyên liệu cơ bản hoặc nông sản như lúa mì, than, phân bón, sản phẩm kim loại… Cuộc xung đột đó sẽ tác động đến giá trên thị trường, dẫn đến giá đầu vào của các nguyên liệu cơ bản nói chung cũng sẽ bị gia tăng.
Năm 2022, ngành Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-8% so với năm 2021. Ông có thể cho biết, chúng ta sẽ hiện thực hóa mục tiêu này như thế nào?
Cơ hội lớn nhất sẽ đến từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) chúng ta đã ký kết. Gần đây, chúng ta đã liên tiếp có những FTA ở quy mô lớn và mức độ cam kết sâu. Với những đối tác thương mại đều là những thị trường có quy mô lớn, nhu cầu cao, trên thực tế, các FTA này đã bước đầu phát huy được hiệu quả đáng kể.
Ví dụ, trong Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), những quốc gia mới tham gia FTA với Việt Nam như Mexico, Peru đều có mức tăng trưởng xuất khẩu đạt ở mức 25 - 35%, đây là cơ hội rất rõ ràng cho doanh nghiệp Việt Nam. Hay, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang triển khai gồm một số thị trường truyền thống trong khối châu Á và một số đối tác khác nhưng với một cơ chế và cam kết sâu hơn, sẽ tạo thuận lợi rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp của chúng ta có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, RCEP bao gồm các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - những nước đang cung cấp nguồn nguyên liệu cho Việt Nam hiện nay, việc tham gia cùng với các quốc gia khác trong RCEP sẽ giúp tạo ra sự luân chuyển hàng hóa, giúp Việt Nam có thể kết nối các chuỗi cung ứng của đầu ra - đầu vào tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!