Xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo: Cần Chứng nhận Halal chuẩn quốc tế
Thị trường 3.600 tỷ USD
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nền công nghiệp Halal cung cấp các sản phẩm và dịch vụ hợp chuẩn cho người Hồi giáo, dự báo sẽ có doanh thu khoảng 3.600 tỷ USD vào năm 2021. Trong số các nước Hồi giáo, phải kể đến một số thị trường trọng điểm cho hàng Việt như: Dubai, Kuwait, Malaysia, Indonesia…
Đặc biệt, nhóm thị trường này rất ưa chuộng các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam. Minh chứng cho điều đó, ông Ashraf A.Mahate - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Dubai Exports - cho biết, năm 2017, có một doanh nghiệp thu mua đến 20% sản lượng tiêu Việt Nam để bán tại các chợ trung tâm của Dubai.
Chứng nhận Halal phải được công nhận quốc tế mới được xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo |
Tuy nhiên, thị phần hàng Việt tại nhiều thị trường Hồi giáo còn rất khiêm tốn. Tiêu biểu, với UAE, quốc gia này có sức mua lớn và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đa dạng với kim ngạch nhập khẩu năm 2017 khoảng 265 tỷ USD. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang đây năm 2017 đạt hơn 5 tỷ USD, chiếm chưa tới 2% thị phần.
Theo ông Jasem Abomarzouq - Phó Tổng lãnh sự Nhà nước Kuwait tại TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp Kuwait hiện quan tâm nhiều đến thị trường Việt Nam. “Tôi mong muốn thời gian tới sẽ có nhiều nhà đầu tư từ Kuwait đến Việt Nam hơn nữa, cũng như mong muốn hàng hóa của Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn tại quốc gia của chúng tôi. Hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt, phù hợp với người tiêu dùng Hồi giáo nói chung và Kuwait nói riêng. Song các doanh nghiệp cần phải có chứng nhận Halal chuẩn quốc tế mới vào được Kuwait” - ông Jasem Abomarzouq nhấn mạnh.
Lẫn lộn “vàng thau”
Tại Việt Nam, thị trường dịch vụ hiện có rất nhiều tổ chức thực hiện chứng nhận Halal, chủ yếu do người Hồi giáo cung cấp. Tuy nhiên hiện nhà nước chưa có các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn của một tổ chức chứng nhận Halal.
Chính bởi vậy, vừa qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản phản ánh, một số DN không xuất được hàng do chứng chỉ Halal mà họ có trong tay không được các thị trường Hồi giáo chấp nhận. Bởi vậy, có DN vừa xin chứng nhận Halal được vài tháng đã phải làm lại, vừa tốn tiền, mất thời gian, vừa gây bức xúc.
Chứng nhận Halal là tấm "thẻ xanh" cho hàng Việt vào các quốc gia Hồi giáo |
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng - đại diện Văn phòng chứng nhận Halal - HCA Việt Nam - cho biết, nếu doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường không phải quốc gia Hồi giáo, như Hoa Kỳ, châu Âu... thì có thể sử dụng chứng nhận của các đơn vị không được công nhận quốc tế. Tuy nhiên, các chứng nhận đó không được các quốc gia Hồi giáo chính thống chấp nhận, khiến hàng không xuất khẩu được.
Ví dụ, để xuất khẩu sang Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), bắt buộc đơn vị làm chứng nhận Halal phải được công nhận bởi cơ quan công nhận của GCC là GAC. Riêng nhóm 7 nước thuộc Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) thì các đơn vị chứng nhận phải được sự công nhận của ESMA - cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng của UAE, thì giấy chứng nhận Halal mới được phép xuất khẩu vào các thị trường này. Tại Việt Nam, HCA là tổ chức Halal duy nhất tại Việt Nam được công nhận năng lực quốc tế.
Cũng theo đại diện HCA, tiêu chuẩn của các quốc gia Hồi giáo khác nhau nên muốn xuất khẩu đi đâu bắt buộc phải làm giấy chứng nhận riêng cho từng thị trường. Bởi mỗi quốc gia Hồi giáo đều có tiêu chuẩn tôn giáo riêng cũng như tiêu chuẩn Halal riêng. Hiện trên thế giới, các thị trường Halal như Malaysia, Indonesia lại chưa công nhận tiêu chuẩn lẫn nhau.
Hiện ASEAN đang trong tiến trình hài hòa hóa tiêu chuẩn Halal với mục tiêu các doanh nghiệp chỉ cùng thực hiện một tiêu chuẩn, một giấy chứng nhận là có thể xuất khẩu sang cả khu vực. Hiện HCA cũng có đại diện tham gia tiến trình này. Tuy nhiên, quá trình hài hòa này của ASEAN mới chỉ dừng ở mức các nước đã đưa ra được hướng dẫn chung cho chứng nhận Halal chứ chưa công nhận tiêu chuẩn chung - bà Hằng cho hay.
Chứng nhận Halal là quá trình xem xét đánh giá độc lập, khách quan của bên thứ 3 để xác nhận rằng những sản phẩm/dịch vụ cụ thể tuân thủ các yêu cầu tiêu chuẩn Halal và luật Shari’ah. Người Hồi giáo chỉ tin dùng những sản phẩm có dấu chứng nhận Halal. |