Xuất khẩu tuần từ 17/6-23/6: 6 thị trường tăng trưởng tỷ đô Xuất khẩu tuần từ 24/6-30/6: 6 tháng đầu năm, xuất siêu đạt 11,63 tỷ USD;xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng 19% |
Xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 7 - 7,5 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu rau quả tháng 6/2024 ước đạt gần 780 triệu USD. Lũy kế 6 tháng năm 2024, rau quả giữ vị trí dẫn đầu về xuất khẩu trong các mặt hàng nông sản, với kim ngạch gần 3,5 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu rau quả dự kiến đạt 7 - 7,5 tỷ USD |
Trong đó, sầu riêng, thanh long, chuối... đều là những mặt hàng trái cây đóng góp chính vào tăng trưởng xuất khẩu nửa đầu năm 2024. Bên cạnh đó, các sản phẩm chế biến, các thị trường chủ lực cũng ghi nhận mức tăng 10-50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường chủ yếu của rau quả Việt Nam vẫn là Trung Quốc và các thị trường tiềm năng khác như Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Thái Lan... Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam, ước đạt khoảng 2,2 tỷ USD (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023).
Đứng thứ hai là thị trường là Hàn Quốc ước đạt 180 triệu USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là Hoa Kỳ, với trị giá xuất khẩu đạt gần 150 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch hơn chục loại trái cây vào thị trường Trung Quốc, gồm: dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả trong năm nay có thể đạt 7-7,5 tỷ USD, nếu như có thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh hoặc dừa tươi tham gia theo các thoả thuận đàm phán hiện nay của Việt Nam với Trung Quốc
Với kim ngạch xuất khẩu ước khoảng 1 tỷ USD trong 6 tháng năm 2024, sầu riêng đang là trái cây dẫn đầu về xuất khẩu trong nhóm ngành hàng rau quả nước ta. Trung Quốc vẫn chiếm tỷ trọng đến 92% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng nước ta.
Xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4,4 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 6/2024, xuất khẩu thủy sản của cả nước ước đạt 875 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ đầu năm tới nay.
Xuất khẩu thủy sản đạt hơn 4,4 tỷ USD |
Cụ thể, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chủ lực đều có tăng trưởng cao trong tháng 6 như: Cá tra tăng 22%, cá ngừ tăng 40%, cua ghẹ tăng 59%. Riêng mặt hàng tôm tăng nhẹ 7%. Mực, bạch tuộc là sản phẩm duy nhất giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản lũy kế nửa đầu năm nay mang về trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Theo Vasep, xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, cao hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%; tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10%. Riêng xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh, gấp 57 lần so với cùng kỳ và đạt hơn 130 triệu USD.
“Xuất khẩu cá tra nửa đầu năm nay đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Song song đó, xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm nay tăng gần 25%, đạt 477 triệu USD, chủ yếu nhờ phân khúc cá đóng hộp, đóng túi tăng mạnh.
Hàng Việt còn nhiều dư địa sang Hoa Kỳ
Hàng hóa sản xuất từ Việt Nam xuất đi Hoa Kỳ từ đầu năm đến nay tăng mạnh, đạt mức tăng cao nhất trong các thành viên khu vực ASEAN, cao gấp đôi Thái Lan và Singapore.
Đi qua nửa đầu năm 2024, đã có xấp xỉ 55 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ, với mức tăng trưởng cao nhất, tăng gần 26% so với cùng kỳ, dẫn đầu và vượt xa mức tăng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác như EU, ASEAN, Hàn Quốc…
Cụ thể, Việt Nam có 8 nhóm hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Hoa Kỳ trong 6 tháng đầu năm, trong đó, máy tính, linh kiện vượt 10 tỷ USD.
Trong danh sách những mặt hàng được Hoa Kỳ nhập nhiều từ Việt Nam 6 tháng qua, ngoài máy tính, điện thoại, còn có máy móc, thiết bị, phụ tùng, hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ giảm khoảng 13 tỷ USD so với năm 2022, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, thương mại toàn cầu, nhưng vẫn có 97 tỷ USD hàng Việt được xuất bán sang thị trường này. Trong đó, chỉ riêng nhóm hàng điện tử xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã lên tới 25 tỷ USD trong năm qua. Đặc biệt, Hoa Kỳ cũng là thị trường xuất khẩu duy nhất vượt 100 tỷ USD/năm.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024
Theo số liệu của Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nửa đầu năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 7,95 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 52,3% so với kế hoạch của cả năm. Một số thị trường chính tăng mạnh như: Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2023; Trung Quốc đạt 1,059 tỷ USD, tăng 46,6%.
Xuất khẩu gỗ và lâm sản thu về 8 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024 |
Ở chiều ngược lại, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1,29 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Hoa Kỳ vẫn đang là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 55% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành. 6 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới Hoa Kỳ đạt tới 3,45 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tiếp theo là xuất khẩu mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 323 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường Trung Quốc, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng tăng trưởng mạnh. Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng trưởng 46,6% so với cùng kỳ. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc từ Việt Nam tăng mạnh, chiếm 24,7% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất văn phòng của Trung Quốc.
Xuất khẩu đầu năm lấy lại đà tăng trưởng
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.
Hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực |
Đáng chú ý, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng. Ở nhóm hàng xuất khẩu nhóm nông, thủy sản, kim ngạch tăng trưởng ở mức cao, ước đạt 19,9%; trong đó, thủy sản ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 4,9%; rau quả ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28,2%; cà phê ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 34,5%; gạo tuy chỉ ước tăng 10,4% về lượng nhưng kim ngạch ước tăng 32%.
Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt. Cụ thể, gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 22,2%; hàng dệt may ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3,1%; giày dép ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 10%; sắt thép các loại ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,8%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 33 tỷ USD, tăng 28,6%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 11,3%. Nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,14 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 44,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 22,6 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường EU đạt 20,3 tỷ USD, tăng 14,1%; Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%; Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 3,2%.