Vừa qua, tỉnh Ninh Thuận đã có những lô tôm xuất khẩu đầu tiên sang EU được hưởng ưu đãi thuế của EVFTA. Những lô tôm này đều đạt chứng chỉ ASC - tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt nhất đối với nuôi trồng thủy sản, là bộ tiêu chuẩn dựa trên 4 nền tảng chính là môi trường, xã hội, an sinh động vật và an toàn thực phẩm.
Đáng ghi nhận là, diện tích nuôi tôm đạt chứng nhận ASC ở Việt Nam đang được nhân rộng, hiện chiếm 65% diện tích nuôi để đáp ứng yêu cầu thị trường EU. Thông Thuận Group, đơn vị có lô tôm xuất khẩu sang EU, hiện có 2 nhà máy tại Ninh Thuận và Khánh Hòa, với kim ngạch xuất khẩu đạt 100 - 120 triệu USD/năm cho biết, quy trình sản xuất của Thông Thuận là một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến nuôi và chế biến xuất khẩu. Toàn bộ xí nghiệp nuôi và nhà máy của Thông Thuận đều đạt các tiêu chuẩn quốc tế như BRC, GlobalGAP, ASC, BAP…
Với việc ký kết EVFTA, các đơn hàng của Thông Thuận tại thị trường EU đã tăng mạnh và có sự dịch chuyển cơ cấu nhóm thị trường xuất hàng của toàn hệ thống. Trong tháng 9/2020, Thông Thuận Group dự kiến xuất khẩu 9,5 triệu USD, trong đó xuất khẩu vào châu Âu đạt khoảng 4,5 triệu USD.
Xuất khẩu tôm hưởng lợi lớn từ EVFTA |
Tôm là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tương đối khả quan, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh. Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, tháng 10/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 431,7 triệu USD, tăng hơn 25% so với tháng 10/2019. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 3,1 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 10/2020, trừ XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc giảm, XK tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ, Trung Quốc, EU, Anh, Canada, Australia. XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 10/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nhờ một phần tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA. Các thị trường nhập khẩu (NK) chính của tôm Việt Nam đồng loạt tăng NK để phục vụ các lễ hội cuối năm.
EU là thị trường NK tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 14% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Đáng chú ý, sau khi giảm trong những tháng trước đó, XK tôm Việt Nam sang EU bắt đầu tăng trưởng tốt từ đầu quý III năm nay nhờ tác động tích cực từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ đầu tháng 8/2020. Tháng 10/2020, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 65,4 triệu USD, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. 10 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt trên 436,7 triệu USD, tăng 6,7%.
Hà Lan, Đức và Bỉ là 3 thị trường NK tôm Việt Nam lớn nhất trong khối EU. Tháng 10 năm nay, XK tôm Việt Nam sang 3 thị trường Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng trưởng dương 2 con số, lần lượt 32%, 53% và 48% so với tháng 10/2019.
Trên thị trường EU, các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại. Trong khi đó, doanh số bán lẻ hoặc online tiếp tục tăng và nhu cầu tiêu thụ tôm cho phân khúc bán lẻ sẽ lớn hơn để chuẩn bị cho các kỳ nghỉ lễ cuối năm. EU là thị trường có tỷ suất lợi nhuận tốt và đây sẽ là thị trường được nhiều DN tập trung XK trong những tháng cuối năm.
Cùng với hiệu ứng tích cực và những ưu đãi thuế đối với tôm đông lạnh từ Hiệp định EVFTA, XK tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm dự kiến tiếp tục tăng.
Ngoài EU, Mỹ là thị trường dẫn đầu về NK tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23,5%. XK tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 10/2020 tăng trưởng tốt 39% so với tháng 10/2019. Lũy kế 10 tháng đầu năm nay, XK tôm sang thị trường này đạt trên 733,4 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù Mỹ là tâm dịch Covid-19 của thế giới, XK tôm Việt Nam sang Mỹ vẫn tăng trưởng dương trong cả tất cả các tháng của 10 tháng đầu năm nay. Mỹ được coi là thị trường NK tôm ổn định nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm. Mặc dù nhu cầu giảm ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhưng nhu cầu NK tôm nói chung của Mỹ vẫn tốt để phục vụ phân khúc bán lẻ.
Theo số liệu của Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), 9 tháng đầu năm nay, Mỹ NK 535.165 tấn, trị giá 4,6 tỷ USD, tăng 8% về khối lượng và 10% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trên thị trường Mỹ, trong 9 tháng đầu năm nay, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ như Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc. Ấn Độ-nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, từ đầu năm tới nay, vẫn gặp phải nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và thời tiết không thuận lợi.
Tháng 9 năm nay, Mỹ tiếp tục giảm NK tôm từ Ấn Độ, lần lượt giảm 10% về khối lượng và giảm 8% về giá trị so với tháng 9/2019. NK tôm vào Mỹ từ Thái Lan chỉ tăng nhẹ trong khi NK tôm vào Mỹ từ Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh 64% về khối lượng và giảm 74% về giá trị. Tháng 9 năm nay, Mỹ tăng mạnh NK tôm từ các nguồn cung như Ecuador, Indonesia, Việt Nam, Argentina…
Với những tín hiệu khả quan trong xuất khẩu tôm Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam cả năm 2020 dự kiến đạt 3,7 tỷ USD, tăng 9,8% so với năm 2019.