Xuất khẩu thủy sản sang Nhật cần hết sức lưu ý vấn đề đảm bảo chất lượng VSATTP.
Công Thương - Theo thông tin công bố này, số lô hàng thủy sản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh chung từng tháng trong giai đoạn trên cao thấp thất thường, như tháng 6 có tới 15 lô nhưng tháng 2,6 chỉ có 4-5 lô. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này, vẫn còn các lô hàng thủy sản XK sang Nhật Bản bị cảnh báo nhiễm kháng sinh Cloramphenicol và Nitrofuran. Cụ thể, có 5 lô bị phát hiện nhiễm Cloramphenicol và 3 lô nhiễm Nitrofuran phân bố đều vào các tháng, trừ tháng 4, tháng 6 và 10 ngày đầu tháng 8 không có lô nào bị cảnh báo nhiễm 2 loại kháng sinh này.
Riêng đối với hóa chất Trifluralin, đã có 26 lô hàng bị phát hiện nhiễm chất này nhưng nhìn chung số lô hàng bị cảnh báo đang có xu hướng giảm dần trong vài tháng gần đây, và nhất là trong tháng 7/2011 không có lô hàng nào bị phát hiện có Trifluralin. Đây có thể nói là một kết quả rất đáng xứng đáng trước những nỗ lực hết mình nhằm loại bỏ hóa chất này trong nuôi trồng thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng địa phương, các doanh nghiệp cùng toàn thể bà con nuôi thủy sản.
Tuy nhiên, tình hình dư lượng hóa chất, kháng sinh bị cảnh báo trong các lô hàng thủy sản xuất khẩu sang Nhật Bản vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật cần chú ý trong vấn đề đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với các doanh nghiệp muốn đẩy mạnh XK vào Nhật Bản khi nhu cầu thủy sản ở nước này đang tăng cao sau sự kiện động đất và sóng thần, bởi đây là thị trường khó tính, có những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt.
Theo VASEP, Nhật bản là một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam với khoảng 200 doanh nghiệp thường xuyên xuất khẩu sang nước này. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Nhật đạt 900 triệu USD, trong tổng số gần 5,5 tỷ USD giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam.