Xuất khẩu tôm tự tin tại nhiều thị trường
Theo thông tin từ Phòng Kinh doanh của Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (FMC), xuất khẩu tôm của doanh nghiệp này sang 6 thị trường chính, gồm: Hoa Kỳ; Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, EU và Anh trong 9 tháng năm 2021 đạt doanh số gần 150 triệu USD. Trong đó, riêng thị trường Hoa Kỳ đạt gần 50 triệu USD, chiếm trên 32% thị phần, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2020. Theo phân tích của FMC, thị phần xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng chứng tỏ Hoa Kỳ đã “mở cửa” tiêu dùng sớm và nhu cầu thực phẩm, trong đó có tôm tăng lên. Thị phần tôm Việt ở Hoa Kỳ cũng có mức tăng từ khoảng 8% (2020) lên gần 10% (9 tháng năm 2021). Với thị phần ở Nhật Bản duy trì ổn định nhờ vào mảng cung ứng bán lẻ của FMC lớn. Tuy nhiên, từ 1/10/2021 Tokyo mở cửa, hứa hẹn lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng sẽ tăng nhu cầu, trong quý 4 này, FMC sẽ tăng cung ở thị trường Nhật Bản.
Theo bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sau khi giảm sâu trong tháng 8/2021 và nửa đầu tháng 9, sản xuất và xuất khẩu tôm nửa cuối tháng 9 đã có dấu hiệu tích cực hơn, nhất là tại một số tỉnh trọng điểm về tôm như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt, các doanh nghiệp vừa nỗ lực chống dịch vừa cố gắng duy trì sản xuất. Chính vì vậy, mặc dù vẫn trên đà giảm, nhưng xuất khẩu tôm sang các thị trường đã giảm chậm lại. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn trên đà giảm 20% đạt 308,5 triệu USD. Tính đến hết tháng 9/2021, xuất khẩu tôm đạt 2,76 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2020.
Kết quả trên cho thấy, các thị trường nhập khẩu chính mặt hàng tôm Việt đang trên đà phục hồi nhờ các nước này đã tiêm ngừa vắc xin diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau Covid-19. Lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, du lịch từng bước mở cửa trở lại. Điều đáng chú ý là lượng hàng dự trữ của các thị trường nhập khẩu này không còn nhiều để phục vụ nhu cầu tiêu thụ các dịp lễ hội trong năm trong khi các nguồn cung tôm lớn như Ấn Độ, Indonesia… bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, chưa hồi phục sớm. Do vậy, tôm Việt còn nhiều dư địa tăng trưởng xuất khẩu nếu biết tận dụng cơ hội.
Tự tin thực hiện các đơn hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Phó Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta đánh giá, Nghị quyết 128 của Chính phủ với nội dung “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, trong đó có quy định 4 màu theo cấp độ dịch. Ở mọi cấp độ các doanh nghiệp đều có thể hoạt động theo khuôn khổ quy định. Như vậy, giờ đây các DN không liên quan các ca dịch, được phép mở cửa hoạt động và sắp xếp phục hồi theo khả năng.
“Hy vọng với Nghị quyết 128 của Chính phủ, dù đang đứng trước bao khó khăn chồng chất, với bản lĩnh được thử thách thời gian dài, DN ngành tôm sẽ vượt qua tâm lý bất an vừa qua, phấn đấu nhanh chóng phục hồi năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ chế biến, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đã đề ra”- ông Hồ Quốc Lực kỳ vọng.
Giữ chân người lao động
Không được “sáng sủa” như tôm, song cá tra cũng có triển vọng tăng trong những tháng tới. Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), chế biến, xuất khẩu thủy sản tại các tỉnh thành khu vực Nam bộ chiếm 70-75% giá trị kim ngạch của cả nước. Tính đến hết tháng 9/2021, trong 19 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ có 449 nhà máy thủy sản xuất khẩu, trong đó số cơ sở ngừng sản xuất là 176, chiếm 39%.
Xuất khẩu cá tra trong những tháng đầu năm tăng trưởng khá tốt, nhưng đến tháng 8, do nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, kim ngạch xuất khẩu đột ngột giảm sâu. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 đạt 85 triệu USD, giảm 31% so với tháng 7. Trong tháng 9/2021, trị giá xuất khẩu cá tra sang hầu hết các thị trường lớn đều tiếp tục giảm đồng loạt. Một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Mỹ và Ai Cập cố gắng tìm mọi cách để thích ứng với dịch bệnh, an toàn sức khỏe để sản xuất, nên trị giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 9 đạt 22,8 triệu USD, tăng 20,8%; xuất khẩu sang Ai Cập đạt 3,6 triệu USD, tăng 61,7%. Điển hình, theo thông tin từ Công ty CP Vĩnh Hoàn, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 9 năm nay tiếp đà tăng mạnh 79% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 344 tỷ đồng doanh thu. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu cũng tăng 11%, tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc lại giảm 38%.
Tính đến hết tháng 9/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 1,07 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020. Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, số lượng nhà máy cá tra vẫn đang hoạt động “3 tại chỗ” chỉ duy trì khoảng 14 đơn vị tại 6 tỉnh nuôi cá tra trọng điểm với công suất sản xuất chỉ đạt 20-30%. Trong đó, các doanh nghiệp chủ yếu tập hợp công nhân thay bao bì sản phẩm, trả những đơn hàng đã ký. Bước vào tháng 10, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa lên được kế hoạch mở lại sản xuất. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân lực do cách ly, nhiễm bệnh, thiếu hụt tài chính để vận hành trong giai đoạn dịch bệnh... cũng là trở ngại lớn để các doanh nghiệp trở lại sản xuất.
Để hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản của cả nước nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng được ổn định, không bị đứt gãy, thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu vào các tháng cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, tại cuộc họp với các tỉnh ĐBSCL mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan giao các đơn vị liên quan tổng hợp, đề xuất để báo cáo ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid- 19 cho lực lượng đang tham gia các công đoạn trong chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản, đặc biệt là cá tra, tôm và các chuỗi nông sản khác.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp, đại dịch được cảnh báo còn kéo dài, khiến người lao động không thiết tha dịch chuyển xa tìm việc. Sự thay đổi suy nghĩ này có lợi cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản ở các tỉnh ĐBSCL, nhất là khu vực Nam sông Hậu trong việc phục hồi, tăng tốc xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm.