Xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc: Cần phối hợp xây dựng chiến lược tổng thể EU đưa ra 4 cảnh báo với sản phẩm Việt Nam xuất khẩu trong tháng 10/2021 |
Số liệu thống kê sơ bộ mới được Tổng cục Hải quan công bố mới đây cho thấy, kỳ 2 tháng 10 (từ ngày 16 đến ngày 31/10), xuất nhập khẩu hàng hoá đạt 28,72 tỷ USD, tăng 9,9% (tương ứng tăng 2,58 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2021.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 10/2021 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong 10 tháng đầu năm đạt 539,42 tỷ USD, tăng 22,6% (tương ứng tăng 99,54 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu hàng hoá khởi sắc trong nửa cuối tháng 10 |
Trong kỳ 2 tháng 10, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 2,64 tỷ USD, qua đó đưa con số xuất siêu trong 10 tháng đầu năm đạt hơn 120 triệu USD. Dù kết quả xuất siêu còn khiêm tốn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng là dấu hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh nhập siêu nhiều tháng liên tiếp trước đó.
Phân tích cụ thể hơn về kết quả xuất khẩu, nhập khẩu nửa cuối tháng 10 của Tổng cục Hải quan cho thấy sự bứt phá của hoạt động xuất khẩu những ngày gần đây.
Cụ thể, xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10 đạt 15,68 tỷ USD, tăng 19,2% (tương ứng tăng 2,52 tỷ USD) so với kỳ 1 tháng 10/2021.
Các nhóm hàng xuất khẩu tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại các loại và linh kiện; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ; thủy sản… Như vậy, hết tháng 10, xuất khẩu của Việt Nam đạt 269,77 tỷ USD, tăng 17,4%, tương ứng tăng 40,02 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Về nhập khẩu, kỳ 2 tháng 10 đạt 13,04 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% (tương ứng tăng 59 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 10/2021.
Tính hết tháng 10, nhập khẩu của cả nước đạt gần 269,65 tỷ USD, tăng 28,3% (tương ứng tăng 59,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Trong cuộc trao đổi mới đây với báo chí, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, dự báo cả năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá Việt Nam có thể đạt khoảng 640 – 645 tỉ USD và cán cân thương mại có thể có duy trì ở mức xuất siêu nhẹ. Có thể nói, đây là một thành tựu hết sức to lớn bởi năm 2021, nền kinh tế chịu tác động hết sức nặng nề của dịch Covid-19 với biến thể delta. Đặc biệt là dịch Covid-19 đã tấn công thẳng vào khu vực là động lực sản xuất hàng hóa ở cả phía Nam và phía Bắc.
Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất và phục hồi sản xuất sau dịch rất nhanh chóng. Đặc biệt là các ngành có thế mạnh như dệt may, da giày, dù chịu tác động lớn của dịch bệnh nhưng đã sớm phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong các ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Cùng với đó, những cái tên truyền thống, có thế mạnh như điện thoại, điện tử, máy móc linh kiện… cũng có thể đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15 - 25% trong năm nay.