Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề “EVFTA – Cao tốc hiện đại nối liền Việt Nam - EU” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Lương Hoàng Thái thông tin, trong báo cáo chính thức của Chính phủ trình Quốc hội đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP, về xuất nhập khẩu, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến xuất khẩu của chúng ta sang thị trường CPTPP dự kiến tăng 4,04% đến năm 2035 nếu như Hiệp định được đưa vào thực thi. Nghĩa là một năm tăng khoảng 700 triệu USD.
Dệt may là mặt hàng có nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang các nước CPTPP |
Thực tế trong quá trình thực thi, ta đã tận dụng tốt hơn dự báo. Trong năm 2019, mặc dù Hiệp định đưa vào thực thi chưa đủ 1 năm, kim ngạch của ta với các nước trong thị trường CPTPP có mức tăng trưởng khá, đặc biệt 2 thị trường trước đây chưa có Hiệp định thương mại tự do là Canada và Mexico đều tăng ở mức từ 26-29%. Trước đây với tổng thể thị trường CPTPP, ta nhập siêu ở mức 0,9 tỷ USD, năm 2019 xuất siêu 1,6 tỷ USD. Như vậy, tăng trưởng xuất khẩu năm 2019 của cả nước có sự đóng góp tích cực của quá trình thực thi CPTPP.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là tác động của việc cải cách tổng thể. Trong Hiệp định CPTPP có rất nhiều nội dung yêu cầu cải cách, chính nhờ cải cách mới có được những ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang một số thị trường CPTPP lớn như vậy. “Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu năm 2019, các nước láng giềng của ta gặp khó khăn rất lớn, trong khi đó chúng ta ghi nhận tăng trưởng khá xuất khẩu nói chung ở mức khá cao, đặc biệt với 2 thị trường mới nhờ Hiệp định CPTPP là kết quả đáng ghi nhận” - ông Lương Hoàng Thái khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định thêm, một năm là thời gian chưa đủ dài để chúng ta có thể đánh giá được tác động. Tuy nhiên, năm 2019 là năm rất đặc biệt đối với thương mại không chỉ của Việt Nam mà của cả toàn cầu khi căng thẳng thương mại xuất hiện ở nhiều điểm trên thế giới làm cho dòng chảy thương mại và đầu tư bị biến đổi rất mạnh. Vì vậy, những kết quả đạt được trong năm 2019 có đóng góp lớn của các hiệp định, trong đó có CPTPP.
Bà Trang cho hay: “Trong khi có rất nhiều nước xuất khẩu bị chậm lại thì chúng ta vẫn tăng 8,1%, điều này cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh cũng như các hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Đa số các cam kết của chúng ta trong CPTPP đã hoàn thành cơ bản, đó là kết quả đáng ghi nhận”.
Trước đó, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), với khối nước tham gia CPTPP, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam chiếm gần 30,2% giai đoạn 2007-2008 nhưng giảm dần xuống 23% giai đoạn 2009-2010 và 18% giai đoạn 2011-2018. Trong năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện CPTPP - kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%; trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1%, tăng 1%.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng – Nguyên Giám đốc Trung tâm Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích, CPTPP và EVFTA được đánh giá là những hiệp định quan trọng nhất, đã mở ra điều kiện để hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường cao cấp. Trong đó, CPTPP được đánh giá là FTA thế hệ mới, được cam kết ở mức rất cao. Rất nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh, có thể xuất khẩu hiệu quả vào các khu vực này như dệt may, giày dép, điện thoại, thủy hải sản…
Đánh giá về hiệu quả của hiệp định này trong thời gian tới, ông Thắng cho biết, CPTPP giúp Việt Nam có thêm ưu đãi thuế ở một số thị trường rộng lớn như Canada, Mexico… DN được khuyến cáo cần đặc biệt chú ý điều này vì đây là những thị trường tiềm năng, có khả năng xuất khẩu lớn. Nhưng phải lưu ý, chỉ khi hàng hóa Việt Nam có chứng nhận xuất xứ Việt Nam, đạt tỷ lệ nội địa hóa nhất định mới được hưởng thuế suất đó. Do vậy bên cạnh việc DN nỗ lực nội địa hóa, cần đề phòng hiện tượng hàng hóa nước ngoài mạo danh hàng Việt Nam để xuất khẩu vào các nước CPTPP.