Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, từ năm 2017, cùng với Hà Lan và Anh, Đức đã nằm trong top 3 đối tác thương mại lớn nhất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong EU. Cụ thể, năm 2017, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam - Đức đạt 9,5 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 6,3 tỷ USD; năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hai chiều tăng lên trên 10 tỷ USD, Việt Nam xuất khẩu 6,86 tỷ USD.
Thị trường Đức có nhu cầu lớn đối với sản phẩm gỗ |
6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang Đức hơn 3,3 tỷ USD. Những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu đạt giá trị cao phải kể đến như da giày, túi xách, dệt may, thủy sản...
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, trong 28 thành viên của EU ký EVFTA với Việt Nam, Đức là đối tác thương mại lớn nhất. Tới đây, với sự hậu thuẫn từ EVFTA, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường này.
Bà Nguyễn Sơn Trà - Phó Trưởng phòng WTO và đàm phán thương mại, Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - cho biết, ngay khi EVFTA có hiệu lực, các nước thành viên EU cam kết 85,6% dòng thuế được giảm ngay. Và, theo lộ trình sau 7 năm tiếp theo, 99,2% dòng thuế (tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU) sẽ về 0%.
Các chuyên gia cho rằng, so với Luật chung của EU, Luật của Đức nghiêm ngặt hơn. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, cần chú trọng đến 3 tiêu chuẩn: Chất lượng, vệ sinh sản phẩm và trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, thương hiệu, sản phẩm nào đã vào được Đức cũng đồng nghĩa với cơ hội vào được các thị trường khác trong khối EU.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn kỹ thuật, thuế suất. Cuối cùng, để tiếp cận thị trường này hiệu quả nhất, doanh nghiệp cần tham gia các hội chợ, triển lãm tại nước này.
Để giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường Đức, năm 2019, Bộ Công Thương phối hợp với dự án SIPPO của Thụy Sĩ và các đối tác triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại và đầu tư tại Đức từ tháng 6 đến tháng 12/2019. Các doanh nghiệp sẽ được tập huấn về nhu cầu thị trường, chuẩn bị hàng mẫu, tài liệu marketing... |