Cụ thể, khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 2 năm 2021 ước đạt 210 nghìn tấn với giá trị đạt 81 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 2 tháng đầu năm 2021 ước đạt 683 nghìn tấn và 256 triệu USD, tăng 56% về khối lượng và tăng 77,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
2 tháng đầu năm 2021: Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn tăng mạnh về lượng và giá trị |
Trong tháng 1 năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chính, chiếm tới 95,4% thị phần, gấp 2,3 lần về khối lượng và gấp 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Trong các sản phẩm sắn xuất khẩu tháng 1/2021, xuất khẩu sắn lát ước đạt 168.864 tấn, kim ngạch 40,9 triệu USD, giá 242,2 USD/tấn, tăng mạnh 125% về lượng, tăng 280,8% về kim ngạch và tăng 69% về giá so với tháng 12/2020; so với tháng 1/2020 cũng tăng rất mạnh với mức tăng tương ứng 228%, 364% và 41,5%. Nguyên nhân là do tháng 1/2020 trùng với dịp tết Nguyên đán.
Tại thị trường trong nước, từ đầu tháng 2/2021 đến nay, giá thu mua sắn lát tại cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) tăng lên mức 5.650 đồng/kg. Các nhà máy tinh bột sắn ở khu vực miền Trung và miền Nam tăng công suất do giá tinh bột thành phẩm, giá phụ phẩm đều cao.
Thông tin tổng hợp từ Hiệp hội sắn ngày 19/2/2021 cho biết, các nhà máy chế biến sắn đang thiếu nguyên liệu dù vụ sản xuất 2020/21 theo thông lệ hàng năm còn kéo dài vài tháng nữa. Theo nhận định từ các thương nhân, giá sẽ giữ mức cao vì nguồn cung giảm. Nguồn sắn lát thu mua nhập kho vụ 2020-2021 của Việt Nam ở mức thấp, trong khi giá tinh bột sắn và giá ngô tăng dẫn đến các nhà máy của Trung Quốc ưu tiên sử dụng sắn lát nghiền.