Nhiều dư địa
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các nước Bắc Âu có khí hậu lạnh trong phần lớn thời gian trong năm, dẫn đến khó khăn trong việc sản xuất rau, quả trong nước. Rau, quả chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước trên thế giới. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường này. Đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu ÂU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mang lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi thuế các mặt hàng rau, quả tươi hầu hết về 0%.
Nhiều dư địa để rau, quả của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu |
Hiện nay, người tiêu dùng ở các thị trường này có xu hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, quan tâm đến các sản phẩm có giá trị gia tăng về mùi vị, hình dáng, dinh dưỡng, đa dạng và tiện lợi. Đặc biệt, các sản phẩm an toàn, hữu cơ. Theo dự báo, đến năm 2030, lượng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ ở các nước Bắc Âu sẽ tăng gấp 2 – 3 lần .
Bên cạnh đó, các sản phẩm đóng gói sẵn, cả rau, hoa, quả cũng ngày càng trở lên thông dụng trong thương mại bán lẻ. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy- Tham tán thương mại tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Phần Lan, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, Latvia) - cho biết, cuộc sống hiện đại, làm tăng nhu cầu các sản phẩm tiện lợi. Do vậy, các sản phẩm đóng gói sẵn ngày càng trở nên thông dụng, như rau sống được rửa và thái sẵn đóng gói, cà rốt rửa và cắt sẵn, rau tổng hợp cho các món xào, nấu...
Người tiêu dùng tại đây cũng quan tâm đến các đặc sản và sản phẩm mới lạ. Các loại hoa, quả nhiệt đới như chuối, dưa, dứa được tiêu thụ quanh năm ở Bắc Âu và được nhập khẩu ngày càng nhiều. Rau nhiệt đới cũng có xu hướng tương tự, nhất là các rau gia vị như ớt ngọt, hay loại quả có mùi vị được yêu thích như chanh. Các nước Bắc Âu cũng nhập khẩu rất nhiều trái cây tươi từ các nước đang phát triển, vì nhiều loại trái cây nhiệt đới quan trọng, phụ thuộc vào các vụ mùa cụ thể, hoặc khí hậu nhiệt đới không thể trồng trong nước. Các trái cây trái mùa sẽ có lợi thế cạnh tranh tại các thị trường này.
Phát triển thị trường ngách
Mặc dù có nhiều tiềm năng, nhưng theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, để vào thị trường này không dễ dàng, đặc biệt đối với các nhà cung cấp mới vào được thị trường rau, quả tươi của Bắc Âu. Bởi sự cạnh tranh từ các tập đoàn hoa quả đa quốc gia, các công ty hậu cần vận chuyển, các kho lạnh, các công ty đóng gói và tiếp thị sẽ khó cho các nhà xuất khẩu mới đặt chân được vào thị trường này.
Đối với thị trường rau tươi, mặc dù tăng trưởng mạnh nhưng các sản phẩm được trồng trong khu vực châu Âu chiếm đến 90% thị phần nhập khẩu rau của các nước Bắc Âu. Nguồn cung rau trong khu vực châu Âu vượt nguồn cầu và người dân Bắc Âu chuộng rau được trồng tại khu vực với giá cả thấp hơn, do không chịu chi phí vận chuyển nên trong tương lai gần, các cung cấp rau ngoài châu Âu không có nhiều cơ hội để tham gia thị trường này.
Trong khi đó, các nước đang phát triển chỉ chiếm chưa đến 10% thị phần rau nhập khẩu vào Bắc Âu.
Ngoài ra, địa lý xa xôi và Việt Nam chưa có chuyến bay thẳng đến khu vực Bắc Âu cũng là một khó khăn không nhỏ trong việc xuất khẩu rau, quả tươi sang khu vực này.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho rằng, doanh nghiệp cần phát triển thị trường ngách, tìm những người mua có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm và đảm bảo đáp ứng được chính xác chất lượng mà những người mua này yêu cầu. Các tập đoàn bán lẻ lớn là các chuyên gia trong việc biến trái cây và rau, quả thành một sản phẩm tiện lợi. Các sản phẩm này thường nêu bật được các lợi ích sức khỏe cũng như nhấn mạnh yếu tố hữu cơ và không có hóa chất.
“Các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý muốn vào thị trường Bắc Âu, ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm, còn phải tuân thủ rất nhiều các quy định của thị trường. Bên cạnh đó, cần xây dựng thương hiệu nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, đặc biệt là các sản phẩm cho thị trường ngách”- bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy khuyến nghị.
Ngoài ra, các nước Bắc Âu cũng có xu hướng sản xuất, kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn. Vì thế, các siêu thị cũng đã bắt đầu hành động theo hướng giảm sản phẩm nhựa. Rau quả không được đóng gói trong túi nilong và bao bi nhựa, đồng thời ghi nhãn laser đang trở nên phổ biến hơn.