Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc: Tuân thủ tiêu chuẩn phát triển bền vững Xuất khẩu trái cây vào EU: Cần tuân thủ truy xuất nguồn gốc |
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính, xuất khẩu hàng rau quả tháng 9/2020 đạt 250 triệu USD, giảm 9,4% so với tháng 8/2020 và giảm 7,2% so với tháng 9/2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, trị giá xuất khẩu hàng rau quả đạt 2,5 tỷ USD, giảm 11% so cùng kỳ năm 2019.
Thanh long là chủng loại quả xuất khẩu chính với trị giá chiếm 51,8% tổng xuất khẩu các loại quả trong tháng 8/2020 |
Trong tháng 8/2020 các chủng loại quả đóng góp vào mức tăng trưởng chung toàn ngành gồm: Thanh long, xoài, chuối, dừa, mít, sầu riêng, chanh leo, nhãn… Trong đó, thanh long là chủng loại quả xuất khẩu chính với trị giá chiếm 51,8% tổng xuất khẩu chủng loại quả. Xuất khẩu thanh long chủ yếu tới thị trường Trung Quốc đạt 127,4 triệu USD, tăng 7,0% so với tháng 8/2019, chiếm 95% tổng trị giá xuất khẩu thanh long của Việt Nam.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, hoạt động thông quan thuận lợi và nhu cầu tăng tại Trung Quốc là yếu tố chính làm tăng trị giá xuất khẩu thanh long của Việt Nam trong tháng 8/2020. Đáng chú ý, việc tiêu thụ thanh long sang thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào thương lái khiến xuất khẩu thanh long không ổn định. Do đó cần đẩy mạnh xuất khẩu thanh long chính ngạch để giữ vững thị trường truyền thống là Trung Quốc, và mở rộng ra các thị trường mới như: Australia, New Zealand, EU…
Đối với chủng loại sản phẩm chế biến, các sản phẩm chế biến từ chanh leo, xoài, ớt, dứa, cơm dừa… là những mặt hàng xuất khẩu chính, tuy nhiên xuất khẩu chanh leo chế biến có xu hướng giảm.
Mặc dù vậy, thị trường chanh leo hiện còn dư địa rất lớn, trong khi Việt Nam đang có nhiều lợi thế cạnh tranh. Các sản phẩm chanh leo ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhờ mùi vị đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như nước uống, kem, mứt, bánh kẹo…
Đặc biệt, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu tại các nước có cùng vị trí địa lý ở Đông Nam Á như: Thái Lan, Philippines, Malaysia và các nước có cùng điều kiện khí hậu ở Nam Mỹ như: Peru, Ecuador,… Trong 8 tháng đầu năm 2020, hầu hết các chủng loại hàng rau quả xuất khẩu đều có trị giá giảm, trừ sản phẩm chế biến và lá.
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy, nhập khẩu dừa tươi của Thái Lan trong 7 tháng đầu năm 2020 đạt 210,2 nghìn tấn, trị giá 76,4 triệu USD, tăng 299,5% về lượng và tăng 592,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá nhập khẩu bình quân quả dừa tươi của Thái Lan đạt 363,3 USD/tấn, tăng 73,4% so với cùng kỳ năm 2019. Thái Lan là trung tâm chế biến thực phẩm của khu vực Đông Nam Á. Nước này tăng nhập khẩu dừa do nhu cầu về sự đa dạng nguồn nguyên liệu cho chế biến, do đó nhập khẩu dừa tươi của Thái Lan từ Việt Nam và Indonesia đều tăng rất mạnh.
Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu dừa tươi của Thái Lan từ Việt Nam đạt 129 nghìn tấn, trị giá 50,4 triệu USD, tăng 377,7% về lượng và tăng 781,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng nhập khẩu dừa tươi từ Việt Nam tăng lên 61,4% trong 7 tháng đầu năm 2020, từ mức 51,3% trong 7 tháng đầu năm 2019.