Nhờ thương mại điện tử, ngày càng nhiều khách hàng quan tâm đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam |
Nhiều rào cản
Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam qua thương mại điện tử nhằm đón bắt cơ hội từ FTA Việt Nam-EU 2015” vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - cho biết: TMĐT hỗ trợ đắc lực cho DN tìm kiếm thị trường và mở rộng XK, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, rào cản lớn nhất đối với DN chính là độ tin cậy của đối tác trên sàn TMĐT. Phần lớn DN Việt vẫn có thói quen “mua bán trao tay” nên thường xuyên sử dụng phương thức kết nối trực tiếp.
Theo bà Dương Tú Anh- Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thủ công mỹ nghệ Hoa Lư, nhờ các website TMĐT (alibaba.com, ebay.com...), công ty đã có được lượng khách hàng ổn định từ các nước phát triển như: Mỹ, Nhật Bản, EU... “Thời gian đầu khi mới tham gia TMĐT, nhiều đối tác yêu cầu gửi báo giá nhưng sau đó… không thấy hồi âm. Cho rằng do báo giá quá cao nên công ty đã hạ giá sản phẩm. Tuy nhiên, tình hình vẫn không biến chuyển. Một thời gian sau, nhận ra nguyên nhân mấu chốt không phải ở giá thành mà chính là ở hồ sơ DN chưa tốt” - bà Dương Tú Anh chia sẻ!
Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy: Hiện nay, nhiều DN đã tiếp cận với TMĐT nhưng cũng không ít DN chưa thực sự quan tâm đúng mức tới phương thức kinh doanh này. Thậm chí, có DN xây dựng sàn TMĐT, website để kinh doanh… nhưng do không được đầu tư, đổi mới, nhiều website kinh doanh của DN đã nhanh chóng bị đóng cửa.
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Trần Thanh Hải cho rằng, bên cạnh cơ hội do hội nhập mang lại, DN trong nước cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ những DN nước ngoài. Vì vậy, một trong các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh là ứng dụng TMĐT để tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – nhấn mạnh: TMĐT đóng vai trò rất quan trọng cho xuất nhập khẩu. Hiện nay, giao dịch B2B (DN với DN), trao đổi thông tin, thanh toán, nộp thuế, quảng cáo... được thực hiện nhiều trong môi trường internet với chi phí thấp. Việc tham gia sàn giao dịch TMĐT B2B sẽ giúp DN tận dụng tối đa lợi thế của các FTA thông qua TMĐT. Đây là sân chơi lớn cho DN sáng tạo, năng động, đổi mới. Cũng theo ông Doanh, TMĐT ở Việt Namđược dự báocó thể đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2015, tạo ra cơ hội lớn cho DN.
Bên cạnh đó, nhằm tập trung đẩy mạnh XK, Bộ Công Thương đang tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ cho hoạt động XK của DN, trong đó có XK trực tuyến thông qua TMĐT. Theo đó, Bộ tiếp tục xây dựng chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN thực hiện TMĐT; thông tin, tuyên truyền về những lợi ích của TMĐT; cách thức tham gia TMĐT, giao dịch… giúp DN kinh doanh thành công.
DN cần có chiến lược tham gia TMĐT nhằm giới thiệu sản phẩm, tìm hiểu thị trường, xây dựng quan hệ trực tuyến với khách hàng… tiến tới tìm kiếm đối tác, mở rộng cơ hội XK. |