Xây dựng thuế suất thuế xuất khẩu phù hợp cho phân bón 9 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón tăng 166% kim ngạch Áp thuế xuất khẩu 5% với phân bón DAP: Doanh nghiệp “gánh” hai lần thuế!? |
Đây là con số xuất khẩu phân bón cao nhất trong những năm trở lại đây. Tuy nhiên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, khi Việt Nam bước vào cao điểm mùa vụ, các doanh nghiệp nên ưu tiên cung cấp cho thị trường trong nước, sau đó mới tính đến phương án xuất khẩu.
Xuất khẩu phân bón có thể vượt qua mốc 1 tỷ USD trong năm 2022 |
Xuất khẩu phân bón của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu phân bón đạt 160 nghìn tấn, tương đương 87 triệu USD, không biến động về lượng nhưng giảm 7% về giá trị so với tháng 9.
Tính chung trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,5 triệu tấn với kim ngạch gần 973 triệu USD, tăng 45,5% về lượng và gấp gần 2,6 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu này, sau 10 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu phân bón đã vượt 73% kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 với 559 triệu USD.
Về giá xuất khẩu, trong tháng 10 giá xuất khẩu phân bón đã giảm 37 USD/tấn so với tháng 9 và giảm hơn 28% so với mức đỉnh của tháng 1, xuống còn 547 USD/tấn. Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp giá phân bón xuất khẩu đi xuống.
Nhưng tính bình quân 10 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu phân bón đã tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021, lên mức bình quân 627 USD/tấn.
Nhận định về tình hình xuất khẩu phân bón 10 tháng đầu năm và cả năm 2022, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV) cho rằng: Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 1,16 triệu tấn phân bón, trị giá 341 triệu USD, sau hơn 6 năm Việt Nam mới xuất khẩu được hơn 1 triệu tấn phân bón/năm. Lần gần nhất, Việt Nam xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phân bón là vào năm 2014 (đạt 1,06 triệu tấn). Năm 2021, cả nước xuất khẩu 1,35 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 559 triệu USD, tăng lần lượt 16,4% và 64% so với năm 2020.
Năm 2022, do tình hình phân bón trên thế giới, xuất khẩu phân bón của Việt Nam vượt xa về lượng, có thể đạt tới mức 1,7 triệu tấn và do yếu tố về giá chắc chắn sẽ vượt qua mốc 1 tỷ USD. Việc này nhờ các doanh nghiệp trong nước đã tận dụng tốt cơ hội giá phân bón lên cao để xuất khẩu.
Ông Phùng Hà - Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam: Cần ưu tiên phân bón cho nhu cầu sản xuất trong nước khi bước vào cao điểm mùa vụ |
Ông Phùng Hà cũng cho biết, trong cơ cấu xuất khẩu, hiện các doanh nghiệp sản xuất đạm urê đang có lợi thế chi phí đầu vào rẻ hơn. Do đó, các nhà máy phân bón đang tăng công suất nhằm đáp ứng nhu cầu vụ đông - xuân trong nước và tiến tới mở rộng thị trường xuất khẩu, đem ngoại tệ về cho Việt Nam.
Đơn cử, Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo, mã chứng khoán DPM) 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt doanh thu gần 15.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng.
Kết thúc quý III/2022, Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc PVFCCo đã sản xuất gần 900 nghìn tấn phân bón và hóa chất các loại, vượt xa so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021. Sản lượng các sản phẩm chính như phân urê đạt hơn 680 nghìn tấn, phân NPK đạt gần 140 ngàn tấn, NH3 thương mại đạt hơn 50 ngàn tấn. Nhờ có nguồn cung dồi dào nên tổng sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại đạt gần 940 nghìn tấn.
Lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt khoảng 155 nghìn tấn, gấp 3 lần so với kế hoạch cả năm, góp phần quan trọng trong gia tăng doanh thu và lợi nhuận 9 tháng đầu năm, dự kiến tăng gấp đôi và gấp ba so với cùng kỳ năm 2021
Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau - DCM) cũng báo lãi hơn 3.270 tỷ đồng, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ 2021. Đặt kế hoạch lợi nhuận chỉ hơn 510 tỷ đồng, nên sau 9 tháng, công ty này đã vượt kế hoạch cả năm đến 6,4 lần.
Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem) ước tính lãi hơn 5.400 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, gấp khoảng 3 lần kế hoạch cả năm. Còn Tập đoàn Hóa chất Đức Giang báo lãi 9 tháng gần 4.920 tỷ đồng, vượt kế hoạch năm nay hơn 40%.
Tương tự, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền là đơn vị xuất khẩu phân bón lớn vào thị trường Campuchia. Trong 9 tháng năm nay, doanh thu hợp nhất của công ty ước đạt 6.800 tỷ đồng, tăng 113,7% và lợi nhuận sau thuế đạt 211,5 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số đơn vị sản xuất phân bón khác cũng ghi nhận con số lợi nhuận tốt. Phân bón Miền Nam có lợi nhuận lũy kế từ đầu năm đến nay đạt gần 52 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế Phân lân Văn Điền cũng tăng hơn một nửa lên gần 32 tỷ đồng. Supe Lâm Thao lãi hơn 67 tỷ đồng, tăng hơn 15%.
Nên ưu tiên cho thị trường trong nước khi cao điểm mùa vụ
Nhận định về thị trường phân bón thời gian tới, ông Phùng Hà cũng cho biết thêm: Theo đánh giá của một số chuyên gia thuộc IFA (Hiệp hội Phân bón thế giới), FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc),…. do ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraine cùng các lệnh trừng phạt giữa phương Tây và Nga..., việc thiếu hụt nguồn cung khí khiến giá khí tại châu Âu ngày càng tăng, dẫn tới giá nguyên liệu để sản xuất phân bón như ammoniac, lưu huỳnh… cũng tăng theo.
Chính vì thế, giá phân bón có thể tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao vào những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023. Hiện dư địa xuất khẩu phân bón của các doanh nghiệp vẫn còn khi công suất thiết kế của các nhà máy phân bón tại Việt Nam theo giấy phép sản xuất phân bón của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên tới 29 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ khoảng 11 triệu tấn.
Cho nên việc xuất khẩu phân bón khi giá tốt và nhu cầu trong nước chưa cao là việc làm đáng khuyến khích, giúp các doanh nghiệp thu được ngoại tệ và giải phóng hàng tồn kho. Nhưng đến thời kỳ cả nước vào vụ (từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau) lượng phân bón cho sản xuất nông nghiệp sẽ cần nhiều hơn vì thế doanh nghiệp sản xuất phân bón cần ưu tiên tuyệt đối cho nhu cầu trong nước, giúp ổn định thị trường, sau đó mới tính đến bài toán xuất khẩu.