7 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD, giá trung bình 414,9 USD/tấn.
Tại cảng bốc hàng của Nhà máy Đạm Cà Mau. Ảnh: Nguyễn Duyên |
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng năm 2023 cả nước xuất khẩu 942.576 tấn phân bón các loại, tương đương 391,05 triệu USD, giá trung bình 414,9 USD/tấn, giảm 15% về khối lượng, giảm 45,8% về kim ngạch và giảm 36,2% về giá so với cùng kỳ năm 2022.
Như vậy, con số này thấp hơn con số 7 tháng năm 2022 khá nhiều. Cụ thể, 7 tháng năm 2022 cả nước xuất khẩu trên 1,11 triệu tấn phân bón các loại, tương đương 721,81 triệu USD, giá trung bình 649,7 USD/tấn, tăng mạnh 41,5% về khối lượng, tăng 174,3% về kim ngạch và tăng 93,8% về giá so với 7 tháng đầu năm 2021.
Riêng tháng 7/2023 xuất khẩu 141.006 tấn phân bón các loại đạt 54,66 triệu USD, giá 387,6 USD/tấn, tăng 30,6% về khối lượng, tăng 17% kim ngạch nhưng giảm 10,4% về giá so với tháng 6/2023; So với tháng 7/2022 thì cũng tăng 25,5% về lượng, nhưng giảm 27,2% kim ngạch và giảm 42% về giá.
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm trên 36% trong tổng khối lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước, đạt 341.219 tấn, tương đương 142,59 triệu USD, giá trung bình 417,9 USD/tấn, tăng 15,2% về lượng nhưng giảm 10,9% kim ngạch và giá giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng tháng 7/2023 xuất khẩu sang thị trường này đạt 49.733 tấn, tương đương 19,69 triệu USD, giá trung bình 395,9 USD/tấn, giảm 21,2% về lượng và giảm 27,2% kim ngạch, giá giảm 7,6% so với tháng 6/2023.
Đứng sau thị trường chủ đạo Campuchia là thị trường Malaysia đạt 56.824 tấn, tương đương 18,45 triệu USD, giá trung bình 324,6 USD/tấn, giảm 38% về lượng, giảm 59,2% kim ngạch và giảm 34,2% về giá, chiếm 6% trong tổng khối lượng và chiếm 4,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước.
Xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 48.484 tấn, tương đương 17,93 triệu USD, giá trung bình 369,9 USD/tấn, giảm mạnh 41,2% về lượng, giảm 71% kim ngạch và giá giảm 50,8%, chiếm 5,1% trong tổng khối lượng và chiếm 4,6% trong tổng kim ngạch.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 541.390 tấn, tương đương 223 triệu USD, giảm 16,2% về lượng, giảm 42,5% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 60.508 tấn, tương đương 20,13 triệu USD, giảm 42,9% về lượng, giảm 63,2% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 489.222 tấn, tương đương 203,38 triệu USD, giảm 11% về lượng, giảm 35,7% kim ngạch.
Nhìn chung, diễn biến thị trường phân bón năm 2023 ghi nhận trầm lắng hơn năm 2022 rất nhiều khi xuất khẩu giảm, giá giảm, tiêu thụ trong nước giảm. TS Phùng Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cũng nhận định năm 2023 là một năm khó khăn đối với ngành phân bón. Cũng trong năm nay, giá phân ure ghi nhận sụt giảm mạnh so với năm 2022 (có thời điểm giá ure đã giảm xuống chưa bằng 50% của năm 2022) khiến các doanh nghiệp phân bón lớn gặp khó khăn.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp phân bón tiếp tục kiến nghị sớm thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật 71/2014/QH13, đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế 0% hoặc 5%. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp phân bón khấu trừ được thuế VAT đầu vào, giúp hạ giá thành phân bón khi đến tay người nông dân, đồng thời giảm gánh nặng cho doanh nghiệp sản xuất.