Thị trường quan trọng
Theo Bộ Công Thương, Trung Quốc giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam, đồng thời là thị trường XK lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, là thị trường XK lớn thứ 6 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 11 của Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là rau, quả |
Đối với nhóm hàng nông, thủy sản, Trung Quốc là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam, bình quân chiếm 27% tổng kim ngạch XK nông, thủy sản của cả nước và chiếm 30% tổng kim ngạch XK hàng hóa các loại sang thị trường này. Hiện Trung Quốc còn là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau, quả và sắn các loại; đứng thứ 3 về gỗ và các sản phẩm gỗ; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 5 về thủy sản; đứng thứ 9 về cà phê... đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu rất lớn và đa dạng, phong phú. 32 tỉnh, thành phố của Trung Quốc đều có nhu cầu khác nhau đối với từng loại sản phẩm cụ thể. Mỗi địa phương với dân số lớn có thể coi là 1 thị trường riêng lẻ như Sơn Đông (90,5 triệu người), Hà Nam (90,4 triệu người), Quảng Đông (104,3 triệu người), Tứ Xuyên (80,4 triệu người), Hà Bắc (71,8 triệu người), Giang Tô (75,6 triệu người), Hồ Nam (65,6 triệu người)...
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó có xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc có thêm thuận lợi khi hai nước cùng tham gia ký kết Hiệp định ACFTA có hiệu lực từ năm 2010, với mức thuế quan giảm về 0% đối với 8.000 dòng sản phẩm. Theo Bộ Công Thương, hàng hóa nông, thủy sản của ta vẫn còn tiềm năng, dư địa tăng trưởng XK sang Trung Quốc, khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe hơn đối với chất lượng của thị trường này.
Mặt hàng cá tra được thị trường Trung Quốc ưa chuộng |
Trong các tháng đầu năm 2019, hoạt động XK nông, thủy sản của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, giá của nhiều mặt hàng giảm sau khi đã đạt mức cao trong các năm 2017 - 2018. Kim ngạch XK 8 tháng đầu năm ước đạt 16,6 tỷ USD, giảm 7,2% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu thị trường XK của nhóm hàng nông, thủy sản, Trung Quốc - thị trường quan trọng nhất đã tăng trưởng chậm lại đáng kể trong thời gian qua.
Nguyên nhân, Bộ Công Thương chỉ rõ, từ khoảng giữa năm 2018 đến nay, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã tăng cường thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, giám sát kiểm dịch động, thực vật và chất lượng hàng hóa, thủy sản nhập khẩu. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ XK nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, bên cạnh yếu tố về cung - cầu thị trường như đối với một số mặt hàng cụ thể như gạo, sắn…
Giải “bài toán” xuất khẩu
Trước tình hình XK nông, thủy sản sang Trung Quốc suy giảm, Bộ Công Thương cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kịp thời những thông tin về quy định của Trung Quốc đối với các mặt hàng nông, thủy sản nhập khẩu tới các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu liên quan. Mặc dù vậy, hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước chưa kịp thời cập nhật hoặc tuy đã biết thông tin nhưng chưa thực sự quan tâm, thay đổi cách thức tiếp cận thị trường phù hợp với các quy định và xu thế phát triển của thị trường Trung Quốc.
Do đó, Hội nghị Phát triển XK nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc được tổ chức vào ngày 13/9, tại Hà Nội nhằm rà soát, đánh giá tình hình và bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn, định hướng tổ chức lại sản xuất đáp ứng đúng yêu cầu của Trung Quốc, góp phần tận dụng tốt các lợi thế từ Hiệp định ACFTA và phát triển xuất khẩu nông, thủy sản bền vững sang thị trường này thời gian tới.
Bộ Công Thương cho hay, mục tiêu của hội nghị nhằm trao đổi về tình hình sản xuất, XK nông, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian qua; đánh giá, nhận định một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động XK nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc; phổ biến, tuyên truyền về các cơ chế, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan đến XK nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc; đồng thời hướng dẫn các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc (kiểm dịch động, thực vật, quản lý an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói, nhãn mác...) tới các địa phương nuôi trồng, XK trọng điểm, các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp XK và các cơ quan truyền thông báo chí để nắm bắt và có kế hoạch XK phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu của thị trường.
Hội nghị Phát triển XK nông, thủy sản sang thị trường Trung Quốc do Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì; cùng tham dự và đồng chủ trì là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Tham dự hội nghị còn có 350 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp. |