Tăng lòng tin của các nhà bán lẻ EU với nông sản Việt Nông lâm thủy sản: Điểm tên 5 nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD đến 15/3 Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 13 cho Hoa Kỳ |
Hoa Kỳ vươn lên là nhà mua hàng lớn nhất của nông- lâm - thủy sản Việt
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 9,84 tỉ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Hoa Kỳ là nhà mua hàng lớn nhất của nông -lâm -thủy sản Việt với kim ngạch 2,1 tỉ USD.
Xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ: Những lưu ý cho doanh nghiệp Việt |
Theo ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông -lâm -thủy sản sang Hoa Kỳ trong năm 2023 đạt 11,1 tỷ USD, chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông- lâm -thủy sản của Việt Nam. Năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất của xuất khẩu nông- lâm -thủy sản từ Việt Nam, với kim ngạch 13,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên năm 2023, Hoa Kỳ tụt xuống vị trí thứ hai, sau Trung Quốc.
Với kết quả đạt được 2 tháng đầu năm 2024, ông Phùng Đức Tiến nhận xét, từ cơ cấu thị trường để thấy rằng chất lượng nông sản của chúng ta đáp ứng được các thị trường cao cấp. Ví dụ, Hoa Kỳ, châu Âu chúng ta đã có khởi động rất tốt, điều này cho thấy sự phục hồi của các thị trường cũng như việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã gắn với thị trường chặt chẽ hơn.
Bà Susan Burns - Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của nông sản Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại nông nghiệp song phương đã đạt hơn 5,5 tỷ USD vào năm 2023. Sự tăng trưởng và chiều sâu của mối quan hệ thương mại giữa hai nước được tạo nên bởi sự kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp ngành thực phẩm, đồ uống Việt Nam - Hoa Kỳ.
Còn theo ông Andrew Anderson - Tùy viên Nông nghiệp Cấp cao, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. Hồ Chí Minh, người tiêu dùng Hoa Kỳ rất thích nền ẩm thực Việt Nam. Các cửa hàng phở, quán ăn của Việt Nam ở khắp nơi trên đất Mỹ. "Tôi thấy có làn sóng mới dành cho các sản phẩm của Việt Nam. Vừa qua, chúng tôi đã hỗ trợ Việt Nam xuất khẩu trái bưởi sang thị trường Hoa Kỳ. Hiện người tiêu dùng Hoa Kỳ đã có thể thưởng thức trái bưởi của Việt Nam", ông Andrew Anderson cho biết.
TS Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng cơ hội đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ là rất lớn. Nhiều nông sản đặc trưng của Việt Nam như cà phê, hồ tiêu... nhưng Hoa Kỳ không có thế mạnh để sản xuất. Đặc biệt, với 2 triệu người Mỹ gốc Việt thì đây sẽ là những bạn hàng hết sức thiện chí đối với hàng hóa nông sản Việt Nam.
Những lưu ý cho doanh nghiệp Việt
Dù vậy, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù các sản phẩm nông sản thực phẩm Việt Nam ngày càng thâm nhập thị trường quốc tế rộng rãi, năng lực xuất khẩu ngày được nâng cao. Trong đó, Hoa Kỳ là một thị trường lớn mạnh, có sức tiêu thụ rất lớn, là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, để xâm nhập vào được thị trường này là vấn đề thử thách đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Bà Phan Thị Mỹ Yến - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu phát triển Thương hiệu Việt, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam – chia sẻ, qua khảo sát các siêu thị tại Hoa Kỳ cho thấy, nhu cầu các loại nông sản của Việt Nam tại đây rất lớn nhưng đa số đều được tiêu thụ dưới thương hiệu của nước ngoài. Nguyên nhân do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, đóng bao lớn và không nhãn mác. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ nhập khẩu về rồi chế biến sâu, hoặc đóng nhãn mác của họ. Đây là vấn đề trăn trở của các doanh nghiệp kinh doanh nông sản và những người làm thương hiệu tại Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, nhu cầu nhập khẩu quả xoài các loại của Hoa Kỳ ngày càng có xu hướng tăng trong giai đoạn năm 2019 - 2023, với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,1% về trị giá.
Trong năm 2023, nhập khẩu quả xoài các loại của Hoa Kỳ đạt 746,4 nghìn tấn, trị giá 1,11 tỷ USD. Việt Nam là thị trường cung cấp xoài lớn thứ 13 cho Hoa Kỳ, lượng xoài nhập khẩu từ Việt Nam chiếm tỷ trọng rất thấp. Cụ thể, xoài Việt Nam chỉ chiếm 0,1% tỷ trọng xoài tươi; 0,4% tỷ trọng xoài chế biến và 1% tỷ trọng xoài đông lạnh; 0,7% tỷ trọng xoài xấy khô nhập khẩu của Hoa Kỳ.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T – cho hay, nông sản Việt khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ hay gặp vấn đề chất lượng không đồng đều. Vài lô đầu có thể chất lượng rất ổn, nhưng rồi đến các lô hàng sau lại “xôi đỗ”, có lô phải bỏ đi phần lớn. Lý do thì nhiều, nhưng nên chú ý tới công tác bảo quản. Như hàng rau quả, trái cây, trên đường vận chuyển xuyên Thái Bình Dương có khi bị kém chất lượng bởi container mất lạnh. Hình thức xuất khẩu của phần lớn doanh nghiệp Việt là xuất nợ, thu tiền sau. Vậy nên gặp phải lô kém chất lượng, bạn hàng sẽ từ chối thanh toán, phía Việt Nam dễ mất trắng.
Là đơn vị nhiều năm nhập nông sản Việt Nam và phân phối tại thị trường Hoa Kỳ, bà Jolie Nguyễn - CEO kiêm nhà sáng lập Công ty LNS International, lưu ý vấn đề thủ tục, giấy tờ chứng thực tiêu chuẩn thực phẩm, nông sản. Theo đó, các quy định này rất chặt chẽ, có phần phức tạp, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm hiểu, nắm thật chắc. Nếu cần thì nên sử dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, đến khi thực sự quen mới tự làm.
Trong quá trình này, doanh nghiệp xuất khẩu trước tiên cần nắm thật chắc sản phẩm của mình. Tùy loại mà sẽ xác định xem cần đáp ứng quy trình thủ tục của những cơ quan nào bên Hoa Kỳ. Chẳng hạn, với hàng thủy hải sản thì sản phẩm tươi sống, đông lạnh và sản phẩm đã chế biến đều có thủ tục riêng.
Theo đó, với sản phẩm đã chế biến thì thủ tục là đăng ký, lập hồ sơ theo quy định của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cùng các yêu cầu về đóng gói. Còn với thủy sản tươi sống, đông lạnh, doanh nghiệp cần có thêm giấy phép của Cơ quan Quản lý Cá và Động vật hoang dã (USFWS). Cơ quan này sẽ xác nhận việc sản phẩm đáp ứng các tiêu chí về đánh bắt hợp pháp, về kiểm soát hóa chất trong quá trình nuôi trồng...
Ông Dương Võ - CEO của Mekong Foods - lưu ý, ngoài việc đáp ứng thủ tục hải quan, đưa được hàng vào biên giới Hoa Kỳ, các doanh nghiệp Việt cũng cần quan tâm tới câu chuyện bán hàng. Các công ty xuất khẩu không nên bỏ mặc việc đó cho đơn vị nhập khẩu. Bởi Hoa Kỳ là thị trường có độ cạnh tranh cao, để thương hiệu Việt chiếm lĩnh, thay thế cho những thương hiệu sản phẩm mà người tiêu dùng Hoa Kỳ vốn đã quá quen thuộc là việc không hề dễ dàng.
Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể khởi đầu bằng việc có người đứng giới thiệu sản phẩm và mời người tiêu dùng ăn thử, hoặc tặng kèm sản phẩm đó vào những sản phẩm có liên quan vốn đã bán chạy từ trước đó.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, mặc dù có lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào nhưng để xây dựng thương hiệu, giá trị gia tăng cho nông sản, đòi hỏi sự đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào chế biến, tăng cao năng suất, chất lượng.
Còn theo bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, bên cạnh những thuận lợi, thị trường hiện đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu và sức mua trên toàn cầu đang suy giảm. Do đó, để sản phẩm nông sản Việt có thể chinh phục thị trường thế giới nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, doanh nghiệp cần tập trung vào những thị trường có lợi thế cạnh tranh, theo dõi kỹ những biến động trong thị hiếu, nhu cầu, hành vi người tiêu dùng.