Cửa ngõ cho nông sản đến nhiều thị trường
Đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa nông sản xuất khẩu sang thị trường EU, ông Phan Văn Thường - Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C cho hay, hiện nay công ty đang có 3 nhà máy chuyên sản xuất và cung cấp các loại nông sản xuất khẩu như dứa, dưa chuột bao tử, măng... sang EU với kim ngạch tăng cao sau mỗi năm. Với thị trường EU, kinh nghiệm của DN này là hàng hóa cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật rất cao, trong đó cần lưu ý các chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và tiêu chuẩn về lao động.
Thủy sản Việt Nam được thị trường EU ưa chuộng |
“Chúng tôi đã từng từ chối xuất khẩu 35 container hàng cho một tập đoàn của Đức, mà chỉ nhận 20 container vì thực sự, giá cả ở EU không hấp dẫn nếu so với các nước khác như Mỹ. Tuy nhiên, hệ thống tiêu chuẩn của họ luôn là số 1, nếu ta đáp ứng được thì sẽ có thể xuất khẩu đi khắp nơi trên thế giới. Chưa kể, từ công nhân đến người quản lý cũng sẽ được học hỏi nhiều kinh nghiệm để nâng cao trình độ - đây là yếu tố quan trọng hàng đầu” – ông Phan Văn Thường cho hay.
Cụ thể, nhờ học hỏi được quy trình, tiêu chuẩn quản lý mà chỉ cần 2 người làm logictics nhưng một năm, công ty G.O.C có thể xuất khẩu tới 4.000 container hàng, khai hàng nghìn tờ khai hải quan vẫn khá nhãn nhã.
Câu chuyện của Công ty CP chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C cho thấy, không chỉ mang lại kim ngạch xuất khẩu cao, việc XK hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng sang EU sẽ mang lại nhiều lợi ích cho DN. Theo Bộ Công Thương, nông sản Việt Nam là mặt hàng có nhiều tiềm năng xuất khẩu sang châu Âu. Hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được chất lượng sản phẩm đáp ứng được yêu cầu của EU, phù với thị hiếu của người dân EU, đã có rất nhiều nông sản Việt được ưa chuộng tại thị trường khó tính này như hạt điều, cà phê, rau củ, thanh long, vải... 10 tháng đầu năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 4,3 tỷ USD nông sản vào EU, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2017.
EU hiện là một trong hai đối tác quan trọng nhất của Việt Nam về thương mại và đầu tư và cũng là một trong những thị trường chính của nông sản Việt Nam, đặc biệt là thủy sản và cà phê. Đồng thời cũng ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp của EU được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Chú trọng chất lượng sản phẩm
FTA Việt Nam và EU đã được hoàn tất và đang chuẩn bị được ký kết và phê chuẩn trong tương lai không xa, sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang thị trường này. Tuy nhiên, điều kiện là DN phải đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng.
Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam cho rằng, xu hướng của thị trường EU là sử dụng các sản phẩm tự nhiên do vậy, với doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ kiểm soát nghiêm ngặt An toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm mà cần hướng tới các sản phẩm hữu cơ và sản phẩm sạch. Do đó, DN luôn chú trọng việc đào tạo kỹ thuật canh tác của nông dân, từ không sử dụng phân bón, hóa chất... để có được các sản phẩm với chất lượng cao nhất nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường này.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch nhấn mạnh thêm, để xây dựng nội lực vững mạnh, DN có thể hội nhập sâu và đủ khả năng chống chọi với những biến động của thị trường thì việc tổ chức sản xuất ngành hàng với hình thức phù hợp là quan trọng hàng đầu.
“Việt Nam có nhiều sản phẩm có giá trị, chung xuất xứ nhưng đang mạnh ai nấy làm. Hiện có nhiều việc vượt quá khuôn khổ của DN và Hiệp hội ngành hàng mới chính là nơi phù hợp để giải quyết những vấn đề này. Do đó, cần tổ chức tốt hơn các hiệp hội ngành hàng để dung nạp và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù cho Việt Nam, tạo điều kiện để xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu” – bà Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay.
Hiện nay nông sản của Việt Nam XK sang xuất khẩu đang bị đánh thuế 14%, nhưng khi FTA Việt Nam - EU được kí kết và đưa thuế về 0%, EU thực sự sẽ là thị trường lớn cho hàng nông sản của Việt Nam. |