Cùng thời điểm, lực lượng Hải quan Trung Quốc đưa vào áp dụng hệ thống kiểm tra, giám sát toàn bộ quy trình hàng hóa nhập khẩu nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát tại cổng kiểm soát số 1 đối với phương tiện ô tô, kể cả xe không hàng lẫn xe có hàng của Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh vào Trung Quốc như gắn camera, máy soi… để kiểm tra xe hàng và cả lực lượng thực thi quản lý, kiểm soát của Trung Quốc tại cổng xe nhập cảnh. Do vậy thời gian kiểm tra hiện nay mất khoảng 6 - 7 phút/xe thay vì chỉ mất không quá 2 phút/xe như trước đây, dẫn đến không đáp ứng được lưu lượng hàng về cửa khẩu, gây ùn tắc cục bộ. Được biết, lượng xe hàng xuất khẩu trong ngày tại cửa khẩu Tân Thanh thời gian gần đây chỉ đạt tối đa 120 - 150 xe/ngày, trong khi trước đó lúc cao điểm có thể thông quan trên 300 xe/ngày…
Xuất khẩu thanh long cần đảm bảo phù hợp yêu cầu của phía đối tác để quá trình giao nhận được thực hiện nhanh chóng |
Theo Sở Công Thương Bình Thuận, ngay sau khi xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa thì UBND tỉnh Lạng Sơn đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo các sở, ngành và lực lượng chức năng tại cửa khẩu phân luồng. Đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường ra cửa khẩu, bố trí lực lượng giải quyết ưu tiên thông quan xe chở hàng nông sản. Đối với Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cũng gửi Công hàm cho Chính phủ nhân dân thị trấn Bằng Tường và Chính phủ nhân dân TP. Sùng Tả - Quảng Tây (Trung Quốc) để trao đổi, giải quyết tình trạng này tại cửa khẩu Tân Thanh. Theo đó không thực hiện kiểm tra, giám sát tại cổng cửa khẩu mà chỉ thực hiện khi xe hàng đã vào bãi tập kết, kéo dài thời gian thông quan hàng hóa đến 21h tại cửa khẩu.
Hiện tại các lực lượng chức năng tại cửa khẩu đã gia tăng thời gian làm việc, cụ thể: Bắt đầu làm việc từ 6h30 sáng, làm việc cả buổi trưa và đến khi phía Trung Quốc đóng cổng nhập khẩu nhằm tạo điều kiện tối đa về thời gian cho doanh nghiệp trong việc giải quyết thông quan hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, Chi cục Hải quan Tân Thanh còn trao đổi qua đường dây nóng với phía Trung Quốc, tạo điều kiện rút ngắn thời gian kiểm soát phương tiện và hàng hóa, xe không hàng lẫn xe có hàng… Động thái này cũng nhằm giảm thiểu thời gian kiểm soát phương tiện, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu nhanh nhất, đặc biệt là với mặt hàng nông sản dễ hư hỏng thì tổ chức phân luồng, ưu tiên xuất khẩu trước.
Về phía các địa phương xuất khẩu nông sản, để đảm bảo hoạt động xuất khẩu hàng nông sản, trái cây của Việt Nam cũng như của tỉnh được thuận lợi, mới đây Sở Công Thương Bình Thuận đề nghị UBND các huyện - thị xã - thành phố, Ban quản lý các khu công nghiệp, Liên minh hợp tác xã tỉnh và các hiệp hội phối hợp triển khai một số nội dung liên quan. Đó là: thông báo, khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây (đặc biệt là thanh long, do mặt hàng này có lượng hàng đưa ra cửa khẩu thông quan rất lớn) biết về tình hình xuất nhập khẩu nông sản, hoa quả tại cửa khẩu Tân Thanh. Từ đó chủ động trong việc thu hoạch, thu mua hàng hóa và có sự phối hợp đối với việc vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh hợp lý, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán. Bởi điều này có thể dẫn đến tình trạng đưa hàng hóa lên cửa khẩu Tân Thanh với số lượng lớn vào cùng thời điểm, gây ùn tắc hàng hóa và tác động về giá trong quan hệ cung cầu…
Liên quan đến vấn đề này, Sở Công Thương Bình Thuận cũng đề nghị thường xuyên có thông tin, trao đổi với doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây trên địa bàn tỉnh về sản lượng, thời điểm thu hoạch, dự ước số lượng xuất khẩu qua cửa khẩu các tỉnh biên giới. Ngoài ra còn kịp thời thông tin, phản ánh những khó khăn, vướng mắc về Sở Công Thương để nắm tình hình, chủ động hơn trong phối hợp với cơ quan liên quan của các tỉnh biên giới nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, xuất khẩu nông sản, trái cây.