Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh. Tuy nhiên, để xây dựng vị thế và cạnh tranh tại thị trường tiềm năng nhưng khó tính này, nông sản Việt Nam phải đối diện không ít thách thức. Ông Nguyễn Cảnh Cường - nguyên Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh đã có cuộc trao đổi về vấn đề này với Báo Công Thương.
Nhờ cải tiến chất lượng và Hiệp định UKVFTA, nông sản Việt Nam ngày càng có chỗ đứng tại thị trường Anh. Ảnh: Phước Tuấn |
Thưa ông, nông sản Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc tiếp cận thị trường quốc tế thời gian qua, đặc biệt là tại Vương quốc Anh. Ông chia sẻ gì về kết quả ấn tượng này?
Trong những năm qua, nông sản Việt Nam đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường quốc tế, đặc biệt là tại Anh - một trong những thị trường khó tính nhất châu Âu. Tại thị trường Anh, các sản phẩm như gạo và trái cây hiện đã có mặt tại các chuỗi siêu thị lớn như Tesco, Sainsbury's, và Asda.
Ngoài ra, sự hiện diện của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn như Công ty Cổ phần XNK Thủy sản Cửu Long với sản phẩm cá tra và tôm càng xanh đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam tại thị trường Anh. Năm 2023, Công ty Cổ phần Cửu Long đã đạt doanh thu 30 triệu USD từ xuất khẩu cá tra sang Anh, chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty.
Hiện, nhiều sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, và trái cây nhiệt đới (như thanh long, xoài, sầu riêng) đã mở rộng xuất khẩu sang Anh nhờ vào việc cải thiện chất lượng và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, cũng như lợi ích của Hiệp định UKVFTA mang lại kể từ khi thỏa thuận này có hiệu lực vào tháng 5/2021.
Đáng kể, trước khi có UKVFTA, nhiều nông phẩm Việt Nam hầu như không thể cạnh tranh với nông phẩm Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nam Phi hay Ấn Độ. Tuy nhiên, đến nay Hiệp định UKVFTA đã giúp nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trên thị trường Anh so với các sản phẩm cùng loại có xuất xứ từ các nước chưa có FTA với Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường – Nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh |
Thời gian tới, để có thể tiến sâu hơn vào thị trường Vương quốc Anh cũng như có được vị thế vững chắc hơn nữa, theo ông đâu là thách thức đang đặt ra đối với nông sản Việt Nam?
Mặc dù Hiệp định UKVFTA đã mang lại lợi thế về thuế quan, nhưng việc đảm bảo chất lượng và tuân thủ các quy định an toàn thực phẩm và môi trường của EU là thách thức lớn đặt ra đối với nông sản Việt Nam. Theo đó, việc phát triển bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU cũng là yếu tố quan trọng giúp nông sản Việt giữ vững thị phần tại Anh.
Là một thị trường lớn, song thị trường Anh cũng đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng nông sản, rau quả và rất cạnh tranh. Vì vậy, các sản phẩm nông sản Việt cần chứng minh được tính bền vững và minh bạch trong chuỗi cung ứng để cạnh tranh với các quốc gia khác như Thái Lan và Ấn Độ. Về vấn đề này, Công ty CP Cửu Long cũng đã tận dụng UKVFTA để tăng cường xuất khẩu cá tra và tôm sang Anh, hưởng lợi từ thuế suất ưu đãi và đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của thị trường này.
Đồng thời, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia như Thái Lan, Peru, và Colombia là một trong những điểm nghẽn lớn đối với nông sản Việt Nam mà các doanh nghiệp cần phải quan tâm. Theo đó, để đối phó với thách thức này, các doanh nghiệp cần tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại như AI, IoT và phân tích dữ liệu lớn để cải thiện hiệu suất sản xuất và giảm chi phí.
Từ kinh nghiệm của một người đã có nhiều năm làm công tác tham tán thương mại, ông có thể gợi mở một số giải pháp giúp nông sản Việt có thể quảng bá sâu rộng hơn tới thị trường Anh?
Để thành công tại thị trường Anh, ngoài đảm bảo nguồn cung ổn định cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam việc thúc đẩy quảng bá thương hiệu là hết sức quan trọng. Theo đó, doanh nghiệp cần chú trọng đến cải tiến website quảng bá sản phẩm với nội dung, ngôn ngữ và hình ảnh theo tiêu chuẩn quốc tế. Website cần cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm, chứng nhận an toàn thực phẩm, hình ảnh chuyên nghiệp, giúp các nhà nhập khẩu Anh dễ dàng tìm kiếm thông tin và đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi quyết định hợp tác.
Bên cạnh đó, vai trò tiên phong của các doanh nghiệp lớn như SS Food Vietnam và Công ty CP Cửu Long trong việc quảng bá và phát triển thương hiệu tại Anh là rất quan trọng. SS Food Vietnam đã giữ vững vị trí số một trong thị trường tôm Anh, chiếm tới 24% tổng lượng nhập khẩu tôm của quốc gia này. Những doanh nghiệp này không chỉ xây dựng mạng lưới phân phối mạnh mà còn mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Như vậy, việc kết hợp giữa việc cải tiến website, áp dụng công nghệ số, phát triển bền vững và hợp tác với các đối tác chiến lược sẽ giúp nông sản Việt Nam gia tăng cơ hội thâm nhập thị trường Anh và đạt được thành công lâu dài.
Còn để nắm rõ nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của người Anh, theo ông các doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện các biện pháp cụ thể nào?
Doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu thị trường thông qua các báo cáo, khảo sát người tiêu dùng và xu hướng tiêu thụ nông sản tại Anh. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng các dịch vụ nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp hoặc tham khảo các báo cáo từ những tổ chức uy tín như Mintel, Euromonitor, hoặc Nielsen. Những báo cáo này cung cấp cái nhìn chi tiết về xu hướng tiêu dùng, sự thay đổi trong sở thích thực phẩm, và phân khúc khách hàng tiềm năng.
Tham gia các hội chợ thương mại quốc tế. Cụ thể, việc tham gia vào các sự kiện và hội chợ thương mại quốc tế như International Food & Drink Event (IFE) và The London Produce Show sẽ giúp các doanh nghiệp Việt có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với các nhà phân phối, bán lẻ và nhập khẩu tại Anh. Qua các sự kiện này, doanh nghiệp có thể nắm bắt được phản hồi của thị trường và xu hướng mới nhất về nông sản.
Người tiêu dùng Anh ngày càng quan tâm đến các sản phẩm bền vững, hữu cơ và có nguồn gốc rõ ràng. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu này thông qua việc áp dụng chứng nhận hữu cơ, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn quốc tế khác về an toàn thực phẩm. Việc này không chỉ giúp nâng cao niềm tin mà còn tạo lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Các công cụ trực tuyến như Google Trends, Facebook Insights, và Amazon Best Sellers có thể cung cấp thông tin hữu ích về xu hướng tìm kiếm, sở thích và hành vi tiêu dùng của người Anh. Bằng cách theo dõi những công cụ này, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về loại sản phẩm mà người tiêu dùng Anh đang tìm kiếm và từ đó điều chỉnh chiến lược xuất khẩu.
Cùng với đó, liên kết với các đối tác phân phối và cộng đồng người Việt tại Anh. Theo đó, việc hợp tác với các Công ty Phân phối thực phẩm Á Đông như Longdan, Viet Grocer, và Wing Yip có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng gốc Á, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Anh. Đây là một thị trường quan trọng có ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu nông sản từ Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!